Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời cho biết thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các ý kiến hôm nay các đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Dũng cho biết, về một số ý kiến đã được tiếp thu, giải trình và đã được chỉnh sửa trong dự thảo luật rồi, còn một số vấn đề mới phát sinh tại hội trường hôm nay, cơ quan soạn thảo xin tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn chỉnh ngay sau cuộc họp.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện có 2 luồng ý kiến và có 2 phương án. Trong đó, phương án của Chính phủ là: Luật này thì chỉ áp dụng đối với cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng mà quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và không áp dụng Luật này đối với cả các trường hợp lựa chọn nhà thầu dự án mà có sử dụng vốn nhà nước từ 30% vốn trở lên hoặc là dưới 30% trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số đại biểu thì lại cho rằng quy định như vậy là chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước vì nhiều các gói thầu của các công ty con mà thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ không phải đấu thầu.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.
Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không khan thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phương án Chính phủ trình đã phù hợp với cả các quan điểm của Nghị quyết của Trung ương 12, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại tại các doanh nghiệp.
Về các trường hợp chỉ định thầu, Bộ trưởng cho biết, đã tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, rà soát lại có thể bổ sung, mở rộng ra một số các trường hợp chỉ định thầu khác mà chúng ta thấy cần thiết, nhất là liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Bộ trưởng cho biết đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo cũng đã hoàn thiện quyết định về thẩm quyền quyết định phân cấp cho Bộ trưởng và các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, còn Thủ tướng chỉ quyết định những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh. Vấn đề này đã được chỉnh sửa theo hướng đó.
“Ngoài ra, khi xuất hiện những vấn đề phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh mà chưa được điều chỉnh trong luật này thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét. Việc đấy chúng tôi cho là phù hợp, cũng tạo được tính chủ động khi gặp những trường hợp xảy ra.” – Bộ trưởng Dũng thông tin.
Đối với nội dung tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực y tế. Đây là một nội dung mà các đại biểu rất quan tâm trong thực tiễn vừa qua và yêu cầu phải có một giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động này. Bộ trưởng Dũng cho biết, trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu rất cụ thể những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thêm, bên cạnh một số vướng mắc trong thời gian vừa qua trong quy định của luật thì hầu hết những vướng mắc thì lại chủ yếu phát sinh từ tổ chức thực hiện hay thi hành hoặc là những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của nghị định và thông tư.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh một số vấn đề nằm ở Luật, nhưng trên thực tế thì do chúng ta tổ chức thực hiện không tốt, do một số quy định trong các nghị định cũng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ, đồng bộ và do một số quy định, thông tư của chúng ta cũng gây khó khăn. Bộ trưởng cho biết thêm, vừa qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo là tháo gỡ các vướng mắc này thông qua rất nhiều các nghị quyết mà gần đây nhất là Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã cơ bản giải quyết được một số vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo luật đã có một chương riêng và cũng có rất nhiều điều khoản để quy định các vấn đề liên quan đến y tế và theo hướng là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù chuyên môn của ngành, bổ sung quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu hay chúng ta gọi là mô hình máy đặt, máy mượn lần này cũng được quy định hết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung và quy định về đấu thầu và trong các lĩnh vực y tế, theo chúng tôi đến nay cơ bản đã được giải quyết các bất cập và nhất là được sự thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, các chuyên gia, các bệnh viện. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn sẽ nghiên cứu tiếp để làm sao hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm. Đồng thời, nếu còn vấn đề gì mà các đại biểu chưa có thể phát biểu được thì gửi thẳng cho cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra đểtiếp thu trong thời gian giới tới.
Cuối cùng, để đảm bảo thống nhất, khả thi trong hệ thống pháp luật thì cũng cần phải tiếp tục rà soát các luật khác liên quan đến lĩnh vực này. Sắp tới Chính phủ sẽ có chỉ đạo để rà soát, nếu còn gì mâu thuẫn, chồng chéo với lĩnh vực y tế liên quan đến đặc thù, đặc điểm riêng của ngành thì sẽ phải sửa các luật này.