Việt Nam đẩy mạnh ký FTA mở rộng thị trường; rau quả “cán đích’ sớm… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 19-23/6.
Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 6 xuất siêu 130 triệu USD.(Nguồn: VGP) |
Tiếp đà xuất siêu, Việt Nam đẩy mạnh ký FTA mở rộng thị trường
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 13,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 13,57 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 6 xuất siêu 130 triệu USD.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát và nhu cầu suy giảm chung trên thị trường thế giới. Điều này dẫn đến hàng hóa khó khăn trong tìm đầu ra.
Các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,9 tỷ USD, giảm 7%, so với cùng kỳ năm 2022; điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, giảm 18,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt gần 18 tỷ USD, giảm 7,1%; hàng dệt may đạt 14,1%, giảm 15,3%; giày dép đạt 8,9 tỷ USD, giảm 15,4%…
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,2 tỷ USD, giảm 11,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 17,8 tỷ USD, giảm 13,3%; vải đạt 5,87 tỷ USD, giảm 20%; sắt thép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 31,5%…
Nhằm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, việc đa dạng hóa thị trường thể hiện qua việc chúng ta đã đàm phán và ký kết các FTA. Hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Bộ Công thương cũng đang xem xét triển khai các FTA mới như FTA với UAE. Đây là quốc gia có hoạt động thương mại rất sôi động ở khu vực Trung Đông và hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ để ta đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi.
Ở châu Mỹ, có một tổ chức gọi là Cộng đồng thị trường châu Mỹ (Mercosur) bao gồm 6 quốc gia tại Nam Mỹ. Đây là thị trường tiềm năng và Việt Nam đã có FTA với 1 số quốc gia trong khu vực này như CPTPP với sự tham gia của Chi Lê và Peru. Tuy nhiên Việt Nam chưa có FTA với cả khu vực, đặc biệt với các thị trường lớn như Brazil hay Mexico. Do đó các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh đàm phán để ký kết các FTA với khu vực này. Đây là các hướng ưu tiên để ta mở rộng và đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực có diện tích và dung lượng thị trường lớn như châu Phi, Nam Á với các quốc gia như Iran, Iraq, Afganistan, Pakistan… Đây là các khu vực thị trường mà chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu và đàm phán ký kết FTA.
Tăng ấn tượng, xuất khẩu rau quả về đích sớm chỉ trong 6 tháng
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, dù chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái. Riêng tháng 6/2023, xuất khẩu đạt trên 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022.
Trong nhóm trái cây xuất khẩu, sầu riêng là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất. Theo đó, trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước. Tính chung, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu quả sầu riêng đạt hơn 503 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD).
Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Như vậy, sầu riêng chính thức vượt thanh long, trở thành sản phẩm mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của việt Nam.
Trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ giảm 12% so với cùng kỳ.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, đây là năm mà kim ngạch xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng đột biến và có thể lập kỷ lục từ trước tới nay. Dự báo, xuất khẩu rau quả có thể cán đích 4 tỷ USD.
Theo các doanh nghiệp, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng Việt chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, hiện tại, nhiều loại trái cây Việt Nam bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải ra nhiều vụ nên rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu.
Đặc biệt, vú sữa, chôm chôm gần như có thể xuất khẩu quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, do đó, giá bán cũng cao gấp nhiều lần trước đó. Chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích cho thu hoạch ở nhiều vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch.
Dù xuất khẩu đang khá thuận lợi, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, yêu cầu của các thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu cao, trong đó, các thị trường lân cận Hoa Kỳ, EU đang phát triển thêm các loại nông sản nhiệt đới nên khả năng cạnh tranh rất cao. Do đó, nông sản Việt ngoài bảo đảm chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.
Một loại củ xuất sang Nhật Bản tăng đột biến 1.285%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nước ta xuất khẩu được 192,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, thu về 80,22 triệu USD, tăng 1,6% về lượng và tăng 5,5% về giá trị so với tháng 4/2023. So với tháng 5 năm ngoái, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn trong tháng 5/2023 vẫn giảm 25,7% về lượng và giảm 29,5% về giá trị.
Giá xuất khẩu bình quân ở mức 415,8 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 5,1% so với tháng 5/2022.
Xuất khẩu sắn sang một số thị trường tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý là các thị trường Nhật Bản, Malaysia…(Nguồn: Báo Tổ quốc) |
Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,36 triệu tấn, với 528,56 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.
Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 1,22 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, giá trị đạt 467,62 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 18,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý là các thị trường Nhật Bản, Malaysia…
Cụ thể, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 2,39 nghìn tấn, thu về 1,22 triệu USD, tăng đột biến 1.285% về lượng và tăng 947,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu sang Malaysia tăng 135,2% về lượng và tăng 129,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các nhà máy chế biến, nguồn hàng sắn nguyên liệu tồn kho ít nên giá bán cao. Tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp, giá FOB Bangkok (Thái Lan) ở mức cao nên phía khách hàng Trung Quốc cũng chấp nhận mua ở mức giá khá cao, dù đã vào mùa nắng nóng.
Khách hàng Trung Quốc hỏi mua tinh bột sắn tại Tây Ninh nhiều hơn, giá dao động quanh mức 520 USD/tấn, FOB.