Hà NộiTiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Thông tin được điều dưỡng trưởng Phạm Thị Thu Thủy, khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Hội nghị Khoa học điều dưỡng quốc tế lần thứ III, nhân kỷ niệm 33 năm thành lập Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, ngày 26/10. Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyên môn cho đội ngũ điều dưỡng đặc biệt trong công tác an toàn thực hành chăm sóc người bệnh.
Tiền sản giật là tình trạng khởi phát tăng huyết áp thai kỳ, thường xảy ra sau 20 tuần tuổi thai. Cứ 100 người mang thai có 2-8 người mắc tiền sản giật. Mỗi năm, thế giới có hơn 10 triệu ca mắc, 76.000 sản phụ tử vong do bệnh này và các rối loạn cao huyết áp có liên quan.
“Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong cho thai phụ và thai nhi”, điều dưỡng Thủy nói, thêm rằng sau sinh, tiền sản giật nguy cơ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như tai biến mạch máu não, tổn thương thận nặng, bệnh thận mạn tính. Còn thai nhi sẽ phải đối mặt với tình trạng chết trong tử cung, kém phát triển, sinh non, nhẹ cân, bại não, mù lòa, suy hô hấp.
Sản giật có thể xảy ra ở các thời điểm trước đẻ (50%), trong đẻ (25%) và sau đẻ (25%). Dấu hiệu của bệnh gồm bất rứt, lo âu, nhức đầu, chóng mặt, khó thở, ho khan, huyết áp tăng cao, mạc nhanh, thở thanh,…
Đây là tai biến sản khoa nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, việc điều trị cần nhanh chóng như ngáng miệng đề phòng cắn lưỡi, hút đờm dãi phòng tắc đường hô hấp, theo dõi cơn giật, huyết áp…
Theo điều dưỡng Thủy, vai trò của bác sĩ và điều dưỡng trong phối hợp điều trị, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân tiền sản giật rất quan trọng. Cụ thể, cần xây dựng kế hoạch chăm sóc cụ thể cho từng trường hợp, theo dõi huyết áp thường xuyên, ngăn chặn biến chứng; duy trì chế độ sinh hoạt và hướng dẫn người nhà cùng phối hợp chăm sóc; chú ý về dinh dưỡng, quản lý cân nặng và tâm lý; đảm bảo người bệnh tuân thủ điều trị.
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu tiền sản giật. Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng, phát hiện sớm bằng cách khám sàng lọc qua 3 bước gồm đo huyết áp, siêu âm đo doppler động mạch tử cung và lấy máu xét nghiệm.
Trước khi có thai nên đi khám xem có mắc các bệnh về tim mạch, thận, huyết áp, bệnh tự miễn không. Khi có thai cần làm một số xét nghiệm xem có nguy cơ mắc bệnh, không tiêu thụ thức ăn có khả năng dị ứng cao, ăn giảm muối khi có yêu cầu của bác sĩ.
Lê Nga