Tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank – chỉ tiêu ảnh hưởng lớn tới chi phí vốn – đã tăng lên mức cao nhất ba quý, gần tương đương mức cuối năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính quý III của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng trên tổng huy động từ dân cư (CASA) tại thời điểm cuối tháng 9 đạt hơn 29,5%, mức cao nhất trong ba quý đầu năm.
Tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này bắt đầu giảm từ đầu năm nay, thực trạng chung của hệ thống ngân hàng. Sự dịch chuyển tại thời điểm đó xuất phát từ hai lý do, tiền gửi chuyển sang nhóm kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn, và nhóm khách hàng doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, giảm vay nợ.
Quy mô tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại Vietcombank vào cuối quý I ghi nhận hơn 369.000 tỷ đồng, giảm hơn 30.000 tỷ so với thời điểm 31/12/2022. Tỷ lệ CASA ở mức 28,79%, so với 32,34% cuối năm 2022.
Khoản mục này tăng vào quý II, nhưng tỷ lệ CASA vẫn giảm do tốc độ tăng của tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn mức tăng tổng tiền gửi khách hàng. Phải tới quý III, CASA của Vietcombank mới bật trở lại.
Quy mô tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng đạt gần 400.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III, gần tương đương quy mô cuối năm 2022. Tỷ lệ CASA cũng tăng lên hơn 29,5%.
CASA có vai trò quan trọng trong bối cảnh chi phí vốn đang gây áp lực tới tăng trưởng của các ngân hàng. Trong hai quý gần nhất, lợi nhuận nhiều nhà băng đã thu hẹp khi chi phí trả lãi tăng cao khiến thu nhập lãi thuần – ‘nồi cơm chính’ – sụt giảm. Với Vietcombank, chi phí lãi và các khoản tương đương trong quý III đã tăng hơn 56%, trong khi các khoản thu từ lãi chỉ tăng 17%. Tuy nhiên thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ giảm nhẹ, lợi nhuận vẫn tăng hai chữ số nhờ giảm chi phí hoạt động và dự phòng.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 43.700 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất, nếu so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm. Tính đến giữa tháng 8, có khoảng chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, trên 7% một năm. Hơn 20 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất cao nhất (thường rơi vào kỳ hạn một năm) từ 6% đến dưới 7% một năm. Hết tháng 8, lãi suất vẫn tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng lớn đã đưa về mức thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Minh Sơn