Mười một tháng năm 2024, thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cho thấy mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương này đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, dư địa trong tương lai còn rất lớn trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư, thương mại, hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Đối thoại kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với ông John Neuffer, Chủ tịch SIA |
Thương mại song phương tăng mạnh
Sau hơn một năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt những bước tiến mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11/2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt gần 123 tỷ USD, vượt qua con số của cả năm 2023 (đạt gần 111 tỷ USD).
Với tốc độ tăng trưởng tích cực như hiện nay, dự kiến thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có thể vượt mức 134-135 tỷ USD trong năm 2024. Đây là số liệu cho thấy mối quan hệ thương mại sâu sắc và tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ tại khu vực ASEAN. Ở chiều ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị, giày dép, sản phẩm nhựa… trong thời gian vừa qua đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, ở mức trên 20%. Đây là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn năm 2023, đồng thời đưa quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ trở lại đà tăng trưởng ổn định như năm 2022.
“Sự hợp tác giữa hai nước và các mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp của chúng ta đang sôi động, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và mang lại lợi ích thực sự cho cả người dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là điều mà tôi đã chứng kiến trong ba chuyến thăm Việt Nam với vai trò Ngoại trưởng”, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua.
Tuyên bố chung Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nêu lên 10 trụ cột, trong đó quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được xác định là “động cơ vĩnh cửu, trụ cột chính”, đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước. Việt Nam được xác định là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, Hoa Kỳ có 1.400 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, đứng thứ 11/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng hoạt động sang Hoa Kỳ, mang lại lợi ích chung đan xen.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ qua các năm |
Tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội mới
Thời gian gần đây, nhiều đoàn doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đã sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và có nhiều cam kết đầu tư hay mở rộng vào Việt Nam. Ngay trong tháng 12 này, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Các Trung tâm này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Việt Nam. Thỏa thuận được kỳ vọng là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn… đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.
Mới đây nhất, trong hai ngày 10-11/12, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ, bao gồm đại diện các công ty như Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon… thăm và làm việc tại Việt Nam (trước đó, SIA cũng đã có 2 chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2023 và tháng 10/2023). Chủ tịch SIA, ông John Neuffer, đánh giá cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành này đã được Chính phủ ban hành và chương trình đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn; đồng thời nhận định đang có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành bán dẫn, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ.
“Với triển vọng của Việt Nam và vai trò ngày càng quan trọng với ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, trong chiến lược của các doanh nghiệp SIA, chúng tôi sẽ còn nhiều lần trở lại Việt Nam và sẽ tiếp tục thúc đẩy củng cố, tăng cường quan hệ song phương giữa hai quốc gia”, ông John Neuffer cho biết.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) đã tổ chức phái đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong nhiều lĩnh vực đến thăm và tìm hiểu các cơ hội và tiềm năng để đầu tư vào Việt Nam. Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam là bởi Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn chào đón người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện các bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sẵn sàng giải quyết những thách thức.
Đặc biệt, trong bối cảnh sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ và có nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên. Do đó theo nhiều dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước hiện nay đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi để mở rộng hợp tác đầu tư dài hạn. Hai nước đã có nền tảng vững chắc được xây dựng trong 30 năm qua, đặc biệt là khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện là định hướng chiến lược cho hợp tác.
“Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và coi đây là những lĩnh vực trọng tâm và là động lực của quan hệ hai nước, đồng thời tiếp tục đưa hợp tác khoa học công nghệ – lĩnh vực có tính đột phá của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện – lên một tầm cao mới”, Thứ trưởng Việt nhấn mạnh.
Theo ông Joseph Uddo, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam, với việc nâng cấp quan hệ vào năm ngoái và sự thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ, đây là thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư mới cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục phát triển.
Cùng quan điểm, ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Mỹ lưu ý, trao đổi thương mại Việt – Mỹ đang tăng trưởng nhanh, nhưng doanh nghiệp cần quan tâm chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Trump, bởi nhiều khả năng, công cụ thuế quan sẽ được sử dụng nhiều hơn với hàng nhập khẩu.
“Chúng ta hiện đang chứng kiến một động lực thực sự trong mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ – Việt Nam, mặc dù Tổng thống đắc cử Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng động lực này để nâng tầm giao thương và đầu tư song phương, đồng thời phối hợp với Chính phủ hai nước tháo gỡ các rào cản và thách thức”, Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff nhấn mạnh.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tiem-nang-lon-trong-quan-he-kinh-te-viet-nam-hoa-ky-159027.html