Thương lái tìm mua giá cao
Hiện tại, 1,2 ha ruộng lúa của nông dân Lê Ngọc An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) đang trong giai đoạn trổ, dự kiến khoảng mùng 10 tháng Chạp sẽ thu hoạch. Nông dân này cho biết, hiện đã có rất nhiều thương lái tìm đến ruộng để đặt cọc trước với giá cao.
“Vụ này tôi trồng lúa Đài Thơm 8. Từ lúc mới sạ, ruộng nhà tôi đã có thương lái đến ngỏ ý đặt cọc với giá 7.500 đồng/kg lúa tươi. Sau đó, cứ ít hôm lại có thương lái đến hỏi thăm và gần đây nhất, khi lúa đang trổ, có thương lái đã đến tìm mua với giá 9.500 đồng/kg. Trồng lúa đã nhiều năm, tôi chưa thấy năm nào lúa được giá như hiện nay”, anh An kể lại.
Theo anh An, việc giá lúa tăng cao cũng như cảnh thương lái ráo riết tìm đến đặt cọc sớm là vì hiện tại, nguồn cung lúa gạo hạn chế trong khi nhu cầu của người tiêu dùng lại tăng cao dịp Tết.
Dù dự kiến còn khoảng 40 ngày nữa mới thu hoạch nhưng ruộng lúa Đài Thơm 8 của nông dân Lê Chí Tâm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã có khá nhiều người đến hỏi mua: “Vụ đông xuân này, nhà tôi sạ giống Ðài Thơm 8. Dù chỉ mới trổ không bao lâu nhưng đã có rất nhiều thương lái quen đến ngả giá cao để đặt cọc. Có người trả đến 9.300 đồng/kg lúa tươi. Mức giá này đã cao hơn rất nhiều so với vụ đông xuân năm trước”.
Nông dân chưa vội nhận cọc
Anh An nhẩm tính, nếu chốt giá 9.500 đồng/kg, trừ chi phí phân, thuốc, máy cắt, nhân công…, anh sẽ lời khoảng 6 triệu đồng/công (1 công =1.200 mét vuông), nếu trúng mùa thì có thể lên tới 7 triệu đồng/công, cao hơn mọi năm. Dù vậy, khi thấy một số nông dân phấn khởi chốt ngay, nông dân này vẫn chưa vội nhận cọc vì tin rằng giá lúa sẽ còn tăng trong thời gian tới.
“Hầu hết những năm trước, lúa không được giá, người có ruộng nhà thì huề vốn, còn những ai thuê ruộng làm chỉ có lỗ. Cho nên, khi được trả giá cao, không ít nông dân, nhất là những người thuê ruộng làm đã nhận cọc và ký hợp đồng với thương lái để tránh rủi ro. Thấy vậy, tôi cũng sốt ruột lắm. Nhưng nhìn từ nhu cầu tiêu thụ lúa gạo sắp tới cộng thêm rút kinh nghiệm những vụ trước nhận cọc sớm để rồi tiếc, tôi quyết định đợi đến cận ngày thu hoạch mới chốt giá”, anh An chia sẻ.
Ông Tâm cho biết vụ trước, nhiều hộ nhận cọc sớm vì nghĩ giá hiện tại đã cao hơn mấy năm trước, chưa kể sau này nếu lúa có sụt giá thì họ vẫn có lãi, không lo sợ bị ảnh hưởng. Còn ông, nhờ không vội nhận cọc mà chốt được giá tốt hơn nhiều hộ xung quanh. Nên rút kinh nghiệm cho vụ này, dù được nhiều lời đề nghị hấp dẫn nhận cọc sớm từ thương lái, ông Tâm vẫn từ chối.
“Giá lần này của thương lái đưa ra cũng không phải không ổn nhưng tôi vẫn cố nán lại, khi nào có ai trả khoảng 9.600 – 10.000 đồng/kg tôi sẽ chốt. Bởi vụ trước, nhờ bán trễ mà mỗi kg lúa nhà tôi bán tăng khoảng 1.000 đồng/kg, lợi nhuận cũng nhiều hơn. Trong khi lúa còn cả tháng nữa mới thu hoạch được, tôi không muốn nhận cọc sớm rồi lại tiếc”, ông Tâm nói.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.800 – 10.000 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.600 – 9.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 10.000 – 10.200 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 – 8.800 đồng/kg.