Thức uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gout, giúp giảm các triệu chứng đau nhức do bệnh gây ra.
ThS.BSNT Trần Thị Trinh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khi thực hiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày để giảm các triệu chứng đau nhức do gout gây ra, người bệnh thường chỉ chú ý đến nên ăn gì, kiêng gì mà quên mất việc kiểm soát các loại thức uống đưa vào cơ thể. Thức uống cũng là một phần quan trọng của chế độ dinh dưỡng, có tác dụng đáng kể trong việc giảm đau nhức do gout. Dưới đây là những thức uống được khuyên dùng cho người bệnh gout:
Nước lọc
2/3 lượng axit uric trong cơ thể được đào thải qua thận. Vì thế, uống nhiều nước giúp axit uric dễ dàng bài tiết ra khỏi cơ thể người bệnh cũng như làm giảm sự hình thành các tinh thể axit uric. Ngoài ra, uống nhiều nước lọc còn giúp giảm sưng tấy, bôi trơn khớp và ngăn ngừa các triệu chứng khác của bệnh gout. Người bệnh cần uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Khi uống nước, không uống nhiều trong một lần mà nên chia ra nhiều lần trong ngày, mỗi lần từng ngụm nhỏ. Người bệnh nên uống nước ngay khi vừa thức dậy, không uống nhiều nước trước và giữa bữa ăn.
Soda
Soda nguyên chất có chứa hàm lượng kiềm bicarbonat cao. Chất kiềm này có tác dụng chuyển hóa máu, trung hòa axit uric hiệu quả. Để cải thiện bệnh gout bằng nước soda, người bệnh lưu ý uống soda nguyên chất, không thêm chanh hoặc đường; trước khi uống cần để soda bay hết hơi CO2; uống mỗi ngày, sau các bữa ăn.
Cafe
Enzyme xanthine oxidase là chất xúc tác cho quá trình chuyển hóa purin thành axit uric. Caffeine trong cà phê lại hoạt động như một chất ức chế xanthine oxidase. Do đó, khi người bệnh uống cà phê, caffeine sẽ có thể làm chậm quá trình chuyển hóa các chất thành axit uric, giảm các triệu chứng gout và rút ngắn quá trình điều trị bệnh.
Người bệnh gout nên uống cà phê với sữa ít béo hoặc tách béo, không đường.
Nước chanh
Hàm lượng vitamin C dồi dào trong nước chanh có tác dụng tăng cường sức đề kháng và trung hòa axit uric trong cơ thể người bệnh. Vì thế, nước chanh không chỉ hỗ trợ kiểm soát bệnh gout mà còn có thể giúp người khỏe mạnh ngăn ngừa căn bệnh này.
Trà xanh
Từ lâu, trà xanh đã được biết đến là một trong những loại thức uống có đặc tính chống oxy hóa cao, giúp chống viêm sưng hiệu quả. Không những thế, dù không nhiều nhưng trà xanh còn có khả năng làm giảm axit uric. Việc uống trà xanh mỗi ngày kết hợp với điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cũng như thực hiện chế độ ăn phù hợp sẽ giúp đẩy nhanh quá trình làm lành sưng viêm do bệnh gout gây ra.
Sữa ít béo hoặc sữa tách kem
Đây là thức uống được khuyên dùng cho người bị bệnh xương khớp nói chung và bệnh gout nói riêng vì giàu canxi, có hàm lượng vitamin D và protein cao. Trong đó, vitamin D là chất hỗ trợ tổng hợp canxi, góp phần làm xương chắc khỏe, cải thiện và duy trì chức năng xương. Canxi giúp cho quá trình hình hành mật độ xương diễn ra tốt hơn, loại bỏ được lượng axit uric dư thừa. Một lợi ích khác mà sữa tách kem, sữa ít béo đem lại cho người bệnh gout là hỗ trợ làm giảm hàm lượng axit uric trong máu nhờ vào protein.
Những loại thức uống có hại mà người bệnh cần tránh như:
Rượu bia: Hàm purine cao, chất cồn và men bia là nguyên nhân gây ra những cơn đau gout, làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, cường độ và tần suất khởi phát các cơn đau khớp cũng tăng lên.
Nước ngọt, nước giải khát có ga, nước tăng lực chứa nhiều đường fructose. Đây là một yếu tố làm nồng độ axit trong máu tăng cao, gây dư thừa axit uric và dẫn đến gout.
Để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh gout, ngoài những món ăn và thức uống tiêu thụ hàng ngày, bác sĩ Trinh khuyến cáo người bệnh cũng cần chú ý vận động thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Phi Hồng