Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bớt nhiều chuyện, 'hóng hớt' có được không?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ30/03/2025

Không chỉ trên mạng mà ở ngoài cuộc sống, nhiều chuyện, 'hóng hớt' có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Chỉ cần xảy ra tai nạn, một cuộc cãi vã, đánh nhau... đều có nhiều người sẵn sàng dừng lại để 'hóng'.


Bớt nhiều chuyện, 'hóng hớt' có được không? - Ảnh 1.

Ảnh chụp lại video hài hước trên TikTok về thói quen nói xấu của bạn trẻ khi đi làm - Ảnh: MÂY TRẮNG

Bạn đọc Mạnh Quang gửi đến Tuổi Trẻ Online những ý kiến xoay quanh chủ đề vốn dĩ không phải mới, nhưng vẫn nóng theo cùng các "drama" trên mạng xã hội này.

"Hóng hớt" từ trong nước ra thế giới

Nửa đêm thứ sáu, mạng xã hội bỗng chốc ồn ào bởi phiên livestream (phát trực tiếp) "đấu tố" qua lại giữa một số người (tạm gọi là) cũng có chút tiếng tăm, được giới trẻ quan tâm. Chuyện tình ái riêng tư cứ thế mà tuôn ra theo những lời nói của đôi bên.

Đáng ngạc nhiên là, có hơn một triệu người thức khuya, bỏ cả giấc ngủ, bỏ cả nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần chỉ để "hóng". 

Thậm chí, nhân vật chính còn yêu cầu phải trả tiền mới được đặt câu hỏi. Vậy nhưng vẫn có rất nhiều người sẵn sàng chi tiền chỉ để ngồi chờ được hỏi, mà theo ngôn ngữ giới trẻ hiện giờ, là được "hít drama", để không là người "tối cổ".

Nhiều người nói vui rằng: ở đâu có "phốt", có "biến", có "drama" là ở đó có bạn trẻ người Việt, dù cho trong nước hay ngoài nước. 

Hễ có một chuyện gì đó xảy ra, chỉ cần vào mạng xã hội, lướt qua các bình luận là thấy dài dằng dặc bạn trẻ người Việt vào để "hóng hớt". 

Chính chủ viết tiếng Anh hay tiếng gì cũng đã có công cụ dịch. Chỉ sợ không nhanh chân vào xem chứ không sợ người ta viết mà mình không hiểu hết.

"Hóng" thôi cũng chưa đủ, mà còn phải chia sẻ cho người khác xem, rồi kèm theo đó là không ít những lời dè bỉu, thậm chí thóa mạ, sau đó là quay qua công kích lẫn nhau giữa những người xem, khiến hình ảnh nhiều bạn trẻ Việt trên mạng xã hội trở nên xấu xí vô cùng. 

Cộng vào đó là một số trang tin tổng hợp, giật tít "câu" người xem, liên tục đăng bài, lại khiến hội "hóng hớt" thêm phần háo hức, càng muốn xem câu chuyện mà mình "hóng" được đi đến đâu.

Sự "hóng" không có điểm dừng này, một mặt nào đó, vô hình trung đã tạo một nhóm những người "nổi tiếng" trên mạng xã hội. Càng chia sẻ nhiều câu chuyện đời tư, càng tạo được "drama" thì lại càng nhiều người vào "hóng", nhấn nút "theo dõi", lại càng "nổi tiếng". 

Rồi như một quy luật tất yếu, sau đó là được một số nhãn hàng mời đi sự kiện, bán hàng online. Một số người khác thấy vậy lại học hỏi theo, thành một cái vòng lặp lại.

Bỏ thói quen xấu, được không?

Không chỉ trên mạng, mà ở cuộc sống, nhiều chuyện, "hóng hớt" cũng có thể bắt gặp ở nhiều chỗ. Chỉ cần xảy ra một tai nạn, một cuộc đánh nhau, cãi vã là đều có nhiều người sẵn sàng dừng lại để "hóng". 

Như có lần, tôi đang đi xe công nghệ, phía trước có một chỗ tự dưng ùn tắc, hóa ra phía trước có hai người đang đánh nhau ngay lề đường. 

Có vậy thôi mà bao nhiêu người dừng xe lại để xem. Anh tài xế chở tôi cũng bất thần thắng lại để kiễng chân lên nhìn. 

Mãi đến khi tôi giục đi, anh mới chịu rời khỏi chỗ đó, không quên chẹp miệng tiếc nuối: "Không phải đang chở khách là em đứng coi cho xong rồi!" khiến tôi cũng cạn lời với độ nhiều chuyện của anh.

Hay khi có một tai nạn xảy ra, ngoài một số người dừng xe để vào hỗ trợ thì rất nhiều người bu đen bu đỏ để chỉ trỏ, quay phim, đôi khi cản trở lực lượng chức năng, lực lượng y tế vào để hỗ trợ, sơ cứu hay điều tra bước đầu. 

Hoặc khi một nghệ sĩ nào đó qua đời, rất đông người đổ về nơi tổ chức đám tang, ngoài những người đến tiếc thương, chia buồn, không ít người chỉ tập trung vòng trong vòng ngoài rồi cùng nhau ồ lên khi thấy một nghệ sĩ nào đó xuất hiện để viếng người đã mất. 

Họ hò reo, tươi cười, cố chen nhau bắt tay, chụp ảnh như thể đó là một sự kiện miễn phí. Như thế còn gì là không khí trang nghiêm cần có của một lễ tang? Bỏ công ăn, việc làm chỉ đi "hóng" như thế liệu có đáng?

"Phốt" tình ái là của riêng hai người, không thuận nhau thì họ có quyền nói qua lại, nhưng sao có nhiều người ngồi nghe hai bên "tố" nhau qua lại xuyên đêm?

Có tai nạn, sự cố xảy ra, người ta cũng xem, nhưng đứng xa, giữ khoảng cách chứ cũng không nên xúm vào cản trở người thi hành công vụ. 

Và tất nhiên lại càng không nên đi "hóng" đám tang rồi cười nói vui vẻ như nhiều người vẫn làm.

Người Việt ta có tinh thần cộng đồng cao, hay quan tâm, giúp đỡ, kể cả với người xa lạ. Nhưng "hóng hớt", nhiều chuyện đến mức như trên thì đó không còn là điều hay nữa. 

Bao giờ bỏ được thói quen xấu này?

Đọc tiếp Về trang Chủ đề


Nguồn: https://tuoitre.vn/bot-nhieu-chuyen-hong-hot-co-duoc-khong-20250330114804297.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm