Hoảng hốt mỗi lần đi vệ sinh
Trong tháng 6 và 7, trên trang Văn Lang confessions có ít nhất 5-6 nữ sinh chia sẻ các tình huống mình bị quấy rối để cảnh báo tới bạn bè khiến nhiều sinh viên hoang mang.
Cụ thể, ngày 7.7, một nữ sinh cho biết cách đó 2-3 tuần, có lần đi vệ sinh ở lầu 4 toà nhà F, đã bị một chiếc điện thoại chĩa vào từ phía trần nhà.
“Mình đang bấm điện thoại thì vô tình thấy một cái điện thoại ở trên trần chĩa vào mình, hết hồn ngước lên thì hình ảnh đó biến mất và người phòng kế bên cũng đóng cửa đi ra. Không biết mình đã bị quay lén hay chưa”, nữ sinh này kể lại.
“Và cho đến hôm nay là ngày 7.7, một lần nữa mình đi vệ sinh ở lầu 11 thì mọi người biết không, đang bấm điện thoại mình lại thấy một cái đầu đưa qua chỗ mình. Mình ngước lên liền khiến bạn đó vội hỏi… xin giấy. Mình nói “ở ngoài có giấy mà bạn sao vậy” thì bạn đó hốt hoảng vội chạy ra ngoài”, nữ sinh kể tiếp.
Một sinh viên khác nhận mình thuộc cộng đồng LGBT, cũng cho biết chiều ngày 17.7 đi toilet nam tầng 5 tại cơ sở 2 của trường, cũng có người đứng lên bồn cầu chồm đầu sang… hỏi xin giấy. “Khi mình nói ở ngoài có giấy thì kẻ biến thái tiếp tục chồm đầu sang và nói ‘ông ơi cho tôi qua nha’. Mình đã rất hoảng sợ và cố gắng can đảm bước ra ngoài. Mình thực sự muốn lên tiếng vì sự an toàn của các bạn”, sinh viên này bày tỏ.
Trong khi đó, một nữ sinh khác gặp phải tình huống ngày 8.7 đi bộ một mình trên khúc đường đi học về hàng ngày ở trường thì có một nam sinh chạy xe chậm lại phía sau rồi bất ngờ dùng tay bóp vào ngực nữ sinh.
“Quá bất ngờ và hoảng sợ mình đơ người nên không kịp để ý biển số xe tên đó cũng như nhìn rõ trông như nào. Mình đăng lên để mong các bạn nữ hay đi bộ một mình hoặc kể cả đi cùng bạn bè cũng đề cao cảnh giác hơn để bảo vệ bản thân”, nữ sinh chia sẻ.
Tăng cường giám sát và sẵn sàng hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Đinh Xuân Tỏa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết thời gian qua đúng là trường có nhận được những thông tin phản ánh của sinh viên về việc này thông qua một số kênh, trong đó có Văn Lang confessions.
“Mặc dù các em không phản ánh trực tiếp, nhưng trường luôn có đội ngũ tình nguyện viên theo dõi các kênh trên mạng xã hội để kịp thời nắm bắt thông tin về các hoạt động, đời sống sinh hoạt cũng như tâm tư nguyện vọng của sinh viên. Sau khi tiếp nhận thông tin sinh viên bị quấy rối khi đi vệ sinh hoặc trong quá trình đi lại trong và ngoài trường, chúng tôi lập tức liên hệ với các bạn trong nhóm confessions để tìm hiểu. Tuy nhiên, đa số đều không muốn công khai nick thật và không sẵn sàng cung cấp thông tin nên cũng rất khó để xác định các câu chuyện trên là có thật hay không”, thạc sĩ Tỏa nói.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Tỏa, trường đã tăng cường công tác giám sát để kịp thời phát hiện những sự việc trên nếu có. “Lúc nào trường cũng có đội ngũ bảo vệ và giám thị học đường túc trực, sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh để kịp thời hỗ trợ. Sinh viên nếu gặp phải các tình huống nguy hiểm thì ngay lập tức báo cho giám thị hoặc bảo vệ, hoặc gọi vào số hotline của trường”, thạc sĩ Tỏa cho hay.
Bên cạnh đó, ông Tỏa cũng lưu ý sinh viên nếu đi học về trễ thì nên đi theo nhóm hoặc đi cùng ít nhất một người khác để có thể xử lý nếu gặp phải tình huống không hay.