Cơ hội hợp tác về dầu khí, chuyển đổi số… còn nhiều
Bên lề Khóa họp lần thứ 17 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani, chiều 21/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Rumani đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Rumani” với sự tham dự của nhiều đại diện các Bộ, ngành và doanh nghiệp lớn của hai nước.
Tọa đàm được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra được các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam – Rumani; trong đó trọng tâm là hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, công nghiệp, năng lượng, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, lao động, du lịch…
Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Rumani” diễn ra chiều 21/11/2023 |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Rumani là đối tác truyền thống của Việt Nam tại khu vực Đông Nam châu Âu và là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Việt Nam là thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân, sẵn sàng làm cửa ngõ để Rumani thâm nhập thị trường các nước ASEAN.
Giới thiệu về những thế mạnh cũng như các điểm sáng của Việt Nam trong thu hút doanh nghiệp Rumani đến đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh doanh, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng tích cực, ổn định. GDP năm 2022 đạt mức tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức kinh tế có cùng nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục có các bước tiến mạnh mẽ, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân giới thiệu những thế mạnh cũng như các điểm sáng của Việt Nam trong thu hút doanh nghiệp Rumani đến đầu tư |
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, những năm qua, trao đổi ngoại thương của Việt Nam với thế giới tăng mạnh. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng ấn tượng 19% trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 731 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021.
Đáng chú ý, hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2015-2022, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 3/10 trong bảng xếp hạng quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối. Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam hiện tại khá đầy đủ và đang dần được hoàn thiện.
Theo thống kê, hiện có hơn 12 Luật chính liên quan đến kinh tế, thương mại và đầu tư gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Cạnh tranh, Luật Trọng tài thương mại… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn các luật trên do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành ban hành để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, bởi, Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang trong quá trình đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do khác, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại hàng đầu thế giới.
“Nhờ những Hiệp định này, Việt Nam có thị trường hàng hóa rộng lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng có thuế suất bằng 0%“, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea khẳng định hai nước Việt Nam – Rumani có cơ hội và tiềm năng hợp tác rất lớn trên tất cả các lĩnh vực |
Cùng nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Rumani Stefan-Radu Oprea cũng cho rằng, Tọa đàm và Khóa họp 17 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước trao đổi, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh từ đó thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam – Rumani.
Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea khẳng định hai nước Việt Nam – Rumani có cơ hội và tiềm năng hợp tác rất lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục. Bên cạnh đó, cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như dầu khí hay ở các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo… vẫn còn rộng mở.
Tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu
Dù tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, thời gian qua, hợp tác thương mại – kinh tế giữa hai nước chưa được như kỳ vọng. Trong giai đoạn 2019 – 2022, thương mại song phương giữa hai nước tăng hơn 1,6 lần từ mức 261 triệu USD lên 425 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani tăng 1,66 lần từ mức gần 194 triệu USD năm 2019 tăng lên 322,4 triệu USD năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Rumani tăng 1,52 lần từ 67,5 triệu USD lên 102,6 triệu USD.
“Tuy nhiên, những con số trên chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ của hai nước” – Thứ trưởng nhận định và cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani năm 2022 cũng chỉ tương ứng 0,24% nhập khẩu của Rumani, trong khi xuất khẩu Rumani vào Việt Nam chỉ chiếm 0,03% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng phân tích, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất đó là thông tin về thị trường của hai bên còn hạn chế. Cộng đồng doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin của nhau, hiểu biết của doanh nghiệp hai nước về thị trường và văn hóa kinh doanh của nhau còn tương đối sơ sài dẫn tới việc hợp tác chưa hiệu quả; việc đàm phán, thương lượng mất nhiều thời gian, thực hiện nhiều lần.
Cùng với đó, khoảng cách địa lý là rào cản lớn cho việc tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau. Chi phí vận chuyển cao, mất nhiều thời gian khiến cho hàng hóa của mỗi nước gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường của nhau. Mặt khác, các hàng rào phi thuế quan cũng là thách thức trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên.
“Những vấn đề này đang được các cơ quan quản lý nhà nước hai bên từng bước giải quyết và thương mại hai nước sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi nhiều hơn” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng và nêu rõ, thời gian tới, kết nối giao thương, chia sẻ thông tin về thị trường và tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu… sẽ là những lĩnh vực được hai nước chú trọng triển khai.
Ông Tạ Hoàng Linh đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Rumani khai thác được các thế mạnh của nhau |
Đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp hai nước khai thác được các thế mạnh của nhau, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đề xuất: Hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường; xác định các mặt tiềm năng mà hai bên có thế mạnh cũng như có khả năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu…
“Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có các cơ hội trao đổi, kết nối giao thương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm… giúp doanh nghiệp hai bên thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau” – Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cam kết và cho biết, dự kiến tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp có quy mô lớn sang thăm và làm việc tại Rumani để trao đổi, mở rộng cơ hội hợp tác đối với các ngành hàng: Dệt may, da giày, thủy sản, hàng gia dụng…
Trong khuôn khổ Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Rumani”, cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Rumani đã có những cuộc giao thương trực tiếp nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ở những lĩnh vực thế mạnh như: Thương mại, ô tô điện, dầu khí, điện lực, xây dựng, hàng không, du lịch…