- Nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bằng cả ý chí và nghị lực
- Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo
- Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện chương trình, đề án trọng điểm về giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực
- Tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững
- Vững tay nghề để thoát nghèo bền vững
Sau khi tham dự Hội nghị tư vấn việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được tổ chức vào cuối năm 2022 tại địa phương, bà Đặng Thị Tám (thuộc diện cận nghèo ở thôn Hải Thành, xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đăng ký thông tin và thuyết phục người con trai của mình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Thời điểm đó, anh Hồ Đăng Sơn (SN 1994, con bà Tám), đang làm việc tại TP Đà Nẵng. Được sự thuyết phục của người thân, sự động viên của chính quyền địa phương, anh Sơn quyết định đi làm việc tại thị trường Nhật Bản theo hợp đồng và thi đậu đơn hàng nghề thi công cốt thép. Tháng 7/2023 vừa qua, anh Sơn đã xuất với mong muốn cải thiện thu nhập, giúp gia đình thoát nghèo.
Cùng xuất cảnh 1 đợt với anh Sơn còn có trường hợp anh Hoàng Trọng Duy (SN 1992, xã Phong Hải, huyện Phong Điền). Theo chính quyền xã Phong Hải, anh Duy hiện đã có gia đình riêng với 2 con nhỏ. Tuy nhiên, do cả 2 vợ chồng đều không có công việc ổn định, vợ lại hay đau ốm nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Qua tìm hiểu thông tin đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, anh Duy chọn tham gia và đã xuất cảnh thành công đi làm việc tại Nhật Bản.
Ồng Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, Phong Hải là một xã ven biển, phần lớn diện tích là cát trắng. Nghề nghiệp chính của người dân nơi đây chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng và chế biển sản phẩm từ hải sản nhưng thuộc diện nhỏ lẻ, gần bờ. Hiện toàn xã có trên tổng số 1.288 hộ dân, trong đó có 15 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,16%); 82 hộ cận nghèo (chiếm 6,34%). Theo ông Dũng, trong những năm qua, xã Phong Hải đã đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế để giúp người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Xã Phong Hải cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh và dần trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, trở thành một trong những giải pháp chủ yếu tạo việc làm có thu nhập cao, ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Phong Điền đã vận động, đưa 297 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Đài Loan,..
Không chỉ riêng Phong Điền, hiện nay nhiều địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như tại huyện nghèo A Lưới, trong 6 tháng đầu năm 2023, các phòng chức năng, các xã trên địa bàn đã tích cực phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn; đến nay đã có 33 lao động xuất cảnh, 20 người chờ xuất cảnh và hơn 50 người đang học. Hay như tại Phú Lộc cũng đã có 185 người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 6 tháng đầu năm; thị xã Hương Thuỷ có 184 lao động; thị xã Hương Trà có 82 lao động.
Tại Thừa Thiên Huế, một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc tại nước ngoài là Văn phòng đại diện của Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco. Đặc biệt, doanh nghiệp đang triển khai dự án đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, với mục tiêu đưa được 4.800 đến 5.000 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; thị trường chủ yếu là Nhật Bản. Riêng tại huyện nghèo A Lưới phấn đấu đến năm 2025 đưa 2618 lao động. Theo đại diện Suleco tại Huế, tính đến tháng 8/2023, đơn vị đã đưa được 19 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện A Lưới (17người), Phong Điền, Phú Lộc đi làm việc tại Nhật Bản; hiện còn 5 trường hợp đang học và 4 trường hợp mới trúng tuyển.
Theo Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 – 2,2%. Để đạt mục tiêu đề ra, Thừa Thiên Huế đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết chiều thiếu hụt việc làm; tư liệu sản xuất; việc nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp với từng địa bàn cụ thể; việc huy động, phát huy các nguồn lực giảm nghèo,…
Tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, trong đó công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 2.912 lao động đi làm việc nước ngoài, cụ thể : năm 2021: 492 người; năm 2022: 1.180 người, 6 tháng đầu năm 2023 là 1.240; trong đó lao động tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.