Thủ tướng sẽ quyết định khoản vay lãi suất 0% một năm, không tài sản đảm bảo với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, theo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua.
Sáng 18/1, trên 91% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, từ 1/7/2024 – thời điểm luật này có hiệu lực, Thủ tướng sẽ có quyền quyết định khoản cho vay đặc biệt với ngân hàng không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% một năm, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Với khoản vay đặc biệt có lãi suất, tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền quyết định. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
Ngân hàng hợp tác xã sẽ quyết định khoản vay đặc biệt với quỹ tín dụng nhân dân.
Cũng theo Luật được thông qua, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Báo cáo giải trình tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết có ý kiến đại biểu nêu việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng chưa xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối ngân hàng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhận định này và cho hay ngoài việc giảm tỷ lệ sở hữu, giới hạn cấp tín dụng, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung thêm quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin. Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên phải cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng công khai thông này này để minh bạch.
Cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành có giải pháp tăng hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát để hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, Luật quy định việc công khai báo cáo tài chính, trừ trường hợp ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, với khoản dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm, có giải pháp nắm thực trạng tài chính của các ngân hàng. Việc này để đảm bảo các cơ chế hỗ trợ bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.
Trả lời báo chí tại họp báo sau đó, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng các biện pháp mới bổ sung sẽ giúp tăng tính tự cường, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.
“Luật đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết”, bà Yến nói.
Chẳng hạn, các quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro để ngân hàng tiếp cận tốt với quản trị doanh nghiệp. Luật cũng bổ sung quy định về quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ tổ chức tín dụng… nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu và tránh rủi ro mỗi ngân hàng ảnh hưởng tới an toàn hoạt động hệ thống tín dụng.
Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua có ý nghĩa trong đảm bảo an toàn, đổi mới hoạt động ngân hàng với trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế. Các quy định sửa đổi như giảm tỷ lệ sở hữu chéo, can thiệp sớm để tránh nhà băng bị rút tiền hàng loạt, kiểm soát đặc biệt ngân hàng trong diện yếu kém… được kỳ vọng sẽ giúp quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng diễn ra nhanh hơn trước đây.