Nhiều dự án cao tốc lớn đồng loạt triển khai, cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác, đến năm 2025 cả nước có thể đạt hơn 3.000 km, theo Thủ tướng.
Ý kiến được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi khởi công ba dự án Vành đai 3 TP HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, vào sáng 18/6. Ba tuyến có tổng chiều dài 247 km, kinh phí hơn 115.000 tỷ đồng, giúp liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên.
Theo Thủ tướng, việc đồng loạt khởi công những công trình nằm trong chuỗi triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vào tháng 6. Các công trình nằm trong định hướng xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế, xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết giai đoạn 2000-2021, cả nước đã đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường cao tốc. Mạng lưới này hiện được đặt mục tiêu tăng lên 5.000 km vào năm 2030, trong đó đến 2025 cần xây được 3.000 km. Theo kế hoạch này, trong 9 năm từ 2021 đến 2030, số km cao tốc phải đầu tư xây dựng sẽ gấp gần 4 lần hơn 20 năm qua.
Để thực hiện mục mục tiêu trên, từ năm 2021 đến nay cả nước đã được đầu tư thêm 566 km cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc lên 1.729. Cùng với những dự án đang thi công với tổng chiều dài 1.756 km, nếu tập trung triển khai, đến năm 2025 mục tiêu cả nước có hơn 3.000 km có thể đạt được.
Hiện, nhiều dự án khác đang được Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương đẩy nhanh thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu xây 5.000 km cao tốc đến năm 2030.
Với ba dự án khởi công hôm nay, Thủ tướng cho biết việc áp dụng các cơ chế là điều kiện quan trọng để triển khai. Trong đó, các công trình được phân cấp, phân quyền, giao các địa phương là cơ quan chủ trì thực hiện đã giúp đẩy nhanh tiến độ, bởi chỉ mình Bộ Giao thông Vận tải sẽ rất khó khăn. Những dự án này được áp dụng các cơ chế khác, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương; chỉ định nhà thầu thi công, là những điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ.
“Ba cơ chế này thể hiện sự mạnh dạn hơn. Chúng ta vừa làm, vừa mở rộng, không nóng vội nhưng cần mạnh dạn”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ nói công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án này là rất khó khăn, bởi đi qua các đô thị lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Tuy nhiên, các địa phương đã áp dụng nhiều giải pháp để người dân ủng hộ, chia sẻ, giúp tiến độ được đẩy nhanh. Đặc biệt, tại TP HCM chỉ trong thời gian ngắn nhưng đến nay, tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho Vành đai đã đạt 87%, được xem là “kỳ tích” do tính chất phức tạp của việc đền bù cho dự án đi qua nội đô, quy mô lớn, ảnh hưởng nhiều hộ dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng việc khởi công các dự án mới chỉ là bước đầu, thách thức sắp tới rất lớn vì khối lượng công việc nhiều trong khi thời gian thực hiện không dài. Các địa phương cần tập trung giải phóng mặt bằng, trong đó việc tái định cư cho người dân cần đảm bảo nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ. Với khối lượng công việc rất lớn, các bộ ngành, địa phương liên quan cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, tuyệt đối không xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đội vốn bất hợp lý.
Đại diện 4 địa phương dự án đi qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói Vành đai 3 là “con đường kết nối, con đường phát triển”. Theo ông, những việc đã làm thời gian qua để khởi công dự án là rất lớn. Sắp tới, thành phố sẽ tập trung hoàn tất giải phóng mặt bằng diện tích còn lại và đẩy nhanh thi công để tuyến đường hoàn thành theo kế hoạch.
“TP HCM cũng sẽ phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan theo dõi sát quá trình triển khai, thúc đẩy dự án để thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025, hoàn thành năm 2026”, ông Mãi nói và đề nghị các tỉnh trong vùng dự án phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai đồng bộ.
Sáng 18/6, cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai, tổng kinh phí gần 4.900 tỷ đồng, cũng được khởi công.
Dự án cầu Phước An tổng chiều dài hơn 4,3 km, trong đó cầu bắc qua sông Thị Vải dài 3,5 km, với 6 làn xe và các đường dẫn, đường kết nối xuống cảng Phước An. Kinh phí xây cầu từ vốn ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2.879 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 5 năm thi công.
Công trình khi hoàn thành sẽ liên kết đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), kết nối vào cao tốc liên vùng Bến Lức – Long Thành; rút ngắn gần 30 km đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây và ngược lại. Dự án cũng giúp giảm tải cho quốc lộ 51, qua đó kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 4, lớn nhất nước với khu vực miền Đông Nam Bộ.
Gia Minh – Trường Hà