Trước việc một số cán bộ bị xử lý hình sự, tài chính mất cân đối, Thủ tướng mong lãnh đạo, cán bộ EVN sớm vượt qua vì khó khăn này chỉ mang tính tình thế.
Chiều 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo báo cáo của EVN, 2023 là năm tập đoàn này gặp nhiều khó khăn khi để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc trong cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6. Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao khiến tập đoàn này tiếp tục lỗ, mất cân đối tài chính. Một số cán bộ, nhân viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Tại cuộc làm việc hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói những khó khăn hiện nay của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là hệ thống. “Phải bình tĩnh, bản lĩnh và vững bước đi lên”, ông nói, và bày tỏ đội ngũ lãnh đạo, người lao động EVN sẽ vượt qua thách thức hiện nay.
Ông yêu cầu EVN tái cấu trúc theo hướng cân đối được tài chính và khắc phục hạn chế, yếu kém. Quá trình này Thủ tướng lưu ý phải gắn với phòng, chống tiêu cực và bảo vệ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm. Việc quản lý, điều hành ngành điện, nhất là giá theo thị trường, nhưng có chính sách với các đối tượng an sinh xã hội.
Tái cấu trúc để tăng quản trị doanh nghiệp, theo ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN, là một trong số mục tiêu tập đoàn này đẩy nhanh năm nay. “EVN sẽ sớm ban hành hệ thống quy chế quản lý nội bộ theo hướng triệt để phân cấp, phân quyền gắn với tăng kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm”, ông An thông tin.
Trước đó, cuối 2023, một số vị trí lãnh đạo trước đây của EVN bị kỷ luật khiển trách do chịu trách nhiệm trong cung ứng, để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc vào tháng 5 và 6/2023. Ngoài ra, lãnh đạo Công ty Mua bán điện (EPTC, thuộc EVN) và ba cấp dưới; lãnh đạo EVN Bình Thuận cũng bị bắt do vi phạm trong quản lý, đấu thầu.
Sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm ngoái, thêm 7,5%, EVN vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Tập đoàn này ghi nhận năm thứ hai liên tiếp lỗ sản xuất kinh doanh, khoảng 17.000 tỷ đồng năm 2023. Mức này giảm hơn 9.000 tỷ đồng so với 2022.
Dự báo 2024 vẫn là năm khó khăn trong cung ứng điện. Thủ tướng nhắc lại quan điểm điện là vấn đề có tính toàn dân, bao trùm các ngành, nên “không để thiếu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ trường hợp nào”.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý ngành khai thác các nguồn điện tối ưu (gồm huy động điện tái tạo và tính toán nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước) và vận hành ổn định hệ thống truyền tải điện, nhất là đường truyền tải 500 kV Bắc-Nam.
“Rút kinh nghiệm từ sự cố năm 2023, không được để lúc cao điểm nắng nóng lại xảy ra sự cố nhiều nhất. Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch-Phố Nối chậm nhất hoàn thành vào tháng 6”, Thủ tướng nói.
Theo kế hoạch cung ứng điện năm nay được Bộ Công Thương phê duyệt, sản lượng điện thương phẩm gần 262,3 tỷ kWh và kịch bản cao là 269,3 tỷ kWh. Mức này tương ứng tăng trưởng 6,18-9,15%.
EVN cho biết đã làm việc với các bên cung ứng than (TKV, Tổng công ty Đông Bắc), khí (PVGas) để đảm bảo cấp nhiên liệu dài hạn cho sản xuất điện. Các hồ chứa thủy điện cũng được tăng tích nước, chuẩn bị cho mùa khô 2024. Trường hợp cấp bách nguồn điện khí LNG sẽ được huy động để cung ứng cho hệ thống điện.
Tuy vậy, để đảm bảo không thiếu điện về lâu dài, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng sớm sửa các quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và biểu giá. Các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống (nhất là mái nhà xưởng, khu công nghiệp) cũng được EVN “giục” Chính phủ sớm ban hành.
Với Bộ Công Thương, tập đoàn này đề nghị sớm trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu 225 MW nguồn thủy điện của Lào để đấu nối vào đường dây 2220 kV Nậm Mô – Tương Dương, Nậm Kông – Bờ Y, trong đó thủy điện Nam Chiến (104 MW) đã vận hành, sẵn sàng bán điện cho Việt Nam để tăng nguồn điện cho miền Bắc.
Trước các kiến nghị của EVN, Thủ tướng đồng ý giao các bộ, ngành triển khai theo hướng “trọng tâm, trọng điểm, phù hợp quy hoạch”. Ông cũng giục Bộ Công Thương sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu. Bộ Công Thương được giao trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Điện lực, gồm nội dung về năng lượng tái tạo.