Lãnh đạo Chính phủ nêu tinh thần “xoay chuyển tình thế” trong chỉ đạo điều hành, giúp kinh tế vượt cơn gió ngược, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.
Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến khó lường của năm 2023, Việt Nam chịu “tác động kép” do các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Tuy vậy, nhờ tinh thần “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” trong điều hành của Chính phủ, kinh tế đã “vượt cơn gió ngược”.
Năm ngoái tăng trưởng kinh tế ghi nhận quý sau cao hơn quý trước. GDP 2023 tăng 5,05%. Với dữ liệu này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 430 tỷ USD, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5%).
Lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nông nghiệp là điểm sáng, trụ đỡ vững chắc khi năm ngoái tăng 3,83%, cao nhất 10 năm. Thu ngân sách vượt khoảng 8,12% dự toán, đạt trên 1,75 triệu tỷ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất 194.000 tỷ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và góp phần tăng dự trữ quốc gia.
Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt gần 676.000 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch Thủ tướng giao. Con số này cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với 2022, và là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, khi thu hút vốn ngoại tăng hơn 32%, đạt gần 37 tỷ USD.
Song nền kinh tế vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5%).
Nguyên nhân được lãnh đạo Chính phủ nêu là suy giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước là thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam. Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5-6 năm 2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng.
Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm.
Tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Đến hết 2023, tín dụng tăng 13,71% so với 2022 (mục tiêu là tăng 14-15%), tương đương 13,5 triệu tỷ đồng. Số dư huy động vốn từ dân cư đạt trên 14,5 triệu tỷ, tăng 13,16%. Nhưng, nợ xấu có xu hướng tăng, khi tỷ lệ nợ nội bảng là 3,36%, cao hơn mục tiêu kiểm soát (đến cuối 2025 dưới 3%).
Theo lãnh đạo Chính phủ, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.
Thị trường bất động sản được cải thiện, nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ song vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, một số chỉ tiêu khả quan nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa tận dụng cơ hội này cho phát triển kinh tế xã hội. Chẳng hạn, bội chi được kiểm soát tốt, nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng cảnh báo, nhưng để tận dụng được dư địa chính sách tài khóa cho phát triển kinh tế – xã hội thì cần làm gì?.
Vì thế, ông yêu cầu phân tích kết quả trong đầu tư công, thu hút và giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… để khắc phục điểm yếu cho điều hành năm 2024.
Báo cáo phát triển kinh tế xã hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết năm nay, dự báo thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Ngoài nền tảng vĩ mô ổn định, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn.
2024 được coi là năm bứt phá trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận hội nghị, nói Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 4-4,5%. Xuất khẩu dự kiến tăng ít nhất 6% so với 2023, tức gần 724 tỷ USD.
Giới chuyên gia cũng dự báo áp lực lạm phát năm nay không lớn, khi các kịch bản đưa ra xoay quanh mức 3,2-3,9% – thấp hơn mục tiêu Quốc hội (4,5%).
Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Chính phủ sẽ thúc đẩy các động lực mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen. Song song đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là sân bay Long Thành.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế. “Chúng ta vừa giải quyết các công việc tồn đọng, ách tắc kéo dài nhiều năm về chính sách và tổ chức thực hiện; vừa phải đối phó, phản ứng nhanh với các diễn biến mới có thể phát sinh chưa dự báo hết”, ông nêu.
Ông cũng yêu cầu tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính với mục tiêu giảm 10% chi phí tuân thủ. Ngân sách phải tăng thu, tiết kiệm chi. “Chúng ta quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách Nhà nước 2024 tăng ít nhất 5%”, Thủ tướng chốt lại.