Để thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, Thủ tướng nói sẽ có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các rào cản.
Chiều 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang ở trong kỷ nguyên khoa học, công nghệ, đã bước vào giai đoạn phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này nhằm tạo ra bứt phá về năng suất, sức cạnh tranh của các ngành và cả nền kinh tế.
Để đạt được, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế. Các chính sách liên quan sẽ được đồng bộ hóa.
“Sẽ có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, ông nói. Chính sách khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới cũng sẽ được triển khai để tạo niềm tin cho thị trường; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động mạnh đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Trong đó Chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến. Hiện có gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số được triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ góc nhìn riêng về cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho biết trong công nghiệp hóa, 50% là công nghệ số và 50% còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển.
Là quốc gia có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc đã đặt ra cơ hội và lợi thế cho Việt Nam để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Hùng cho rằng, Việt Nam phải đi theo con đường riêng, dựa trên trình độ, văn hóa, tố chất con người. “Hiện trên thế giới chưa có mô hình nào mà hai nước áp dụng đều thành công”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhấn mạnh tới máy móc, trí tuệ nhân tạo, trí óc. Những thứ này phát triển trao thêm quyền năng chứ không thay thế con người và mang tính cách mạng toàn dân. Ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, “ai có nhiều nhu cầu, có nhiều vấn đề đặt hàng giải quyết là người đó chiến thắng”, ông Hùng nói.
Theo Báo cáo về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc công bố năm 2022, xếp hạng chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2020 (từ 81 lên 76).
Hiện, 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử. Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và phê duyệt hơn 11 triệu tài khoản định danh điện tử; cơ sở dữ liệu hộ tịch đã có trên 35 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; đã vận hành cơ sở dữ liệu đất tại 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố; thông tin của hơn một triệu doanh nghiệp được cập nhật theo thời gian thực.
Như Quỳnh – Đức Minh