Báo cáo kết quả thăm dò laterit làm phụ gia xi măng tại xã Cự Nẫm và xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Đình Chiến – Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ (Cục Địa chất Việt Nam), đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả thăm dò đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đặc điểm phân bố, hình thái và kích thước thân quặng laterit trong khu vực thăm dò. Kết quả phân tích các loại mẫu cho thấy quặng laterit có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn làm phụ gia xi măng.
Kết quả thử nghiệm mẫu công nghệ trong phòng cho thấy với nguyên liệu đá vôi, đá sét, cao silic, thạch anh, than lấy tại nhà máy xi măng Sông Gianh và laterit lấy tại khu vực thăm dò có thể sản xuất xi măng poóc lăng thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn TCVN 2682:2020.
Bên cạnh đó, đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ được nghiên cứu chi tiết, tài liệu đủ cơ sở phục vụ cho thiết kế khai thác mỏ theo phương pháp lộ thiên bằng phương pháp tự tháo khô. Khu vực thăm dò có điều kiện khai thác thuận lợi, xa khu dân cư, nên khi khai thác ít có tác động đến môi trường sinh thái của khu vực. Vì vậy, mỏ cần sớm được đầu tư khai thác nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu về quặng laterit làm phụ gia xi măng của các nhà máy xi măng trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Toán – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, báo cáo kết quả thăm dò laterit làm phụ gia xi măng tại xã Cự Nẫm và xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất khu mỏ, đánh giá quy mô, chất lượng của quặng laterit trong diện tích thăm dò. Trữ lượng sau thăm dò đạt 110% so với mục tiêu đề án đặt ra.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Miền Tây, chủ đầu tư dự án thăm dò laterit làm phụ gia xi măng tại xã Cự Nẫm và xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gửi lời cảm ơn Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan đã giúp đỡ công ty trong quá trình thực hiện dự án cho đến kết quả hôm nay. Công ty Miền Tây mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ để công ty sớm hoàn thành thủ tục cấp mỏ.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng dự tính tại mỏ trên. Theo đó, Hội đồng nhất trí với trữ lượng quặng laterit ở trạng thái tự nhiên cấp 121+122 là 901 nghìn tấn, trong đó trữ lượng cấp 121 là 206 nghìn tấn, trữ lượng cấp 122 là 695 nghìn tấn.
Cũng tại cuộc họp, Hội đồng đã thông qua trữ lượng khoáng sản đi kèm đá vôi làm nguyên liệu xi măng trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2017/GP-BTNMT ngày 2/8/2019 của Bộ TN&MT mỏ đá vôi Núi Trầu, Núi Còm và Núi Châu Hang, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang do Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên làm chủ đầu tư và Công ty CP tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ Địa chất là đơn vị tư vấn.
Cụ thể, kết quả tính khối lượng khoáng sản đi kèm trong các khối trữ lượng 122 đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại mỏ cho thấy có khoảng 23,86 triệu tấn đá vôi chất lượng thấp làm nguyên liệu phối trộn trong sản xuất xi măng; khoảng 1,641 triệu tấn sét nguyên liệu xi măng và khoảng 1,155 triệu m3 đất phủ làm vật liệu san lấp.
Ngoài ra, báo cáo còn tính được khối lượng khoáng sản đi kèm trong các khối tài nguyên cấp 333 đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại mỏ, trong đó đá vôi chất lượng thấp làm nguyên liệu phối trộn trong sản xuất xi măng là 4,449 triệu tấn; sét nguyên liệu xi măng là 2,229 triệu tấn; đất phủ làm vật liệu san lấp là 493,57 nghìn m3.
Hội đồng cũng thông qua trữ lượng trong ranh giới Giấy phép khai thác số 362/GP-BTNMT ngày 31/1/2018 khai trường 10, khu Cam Đường I, mỏ Apatit Lào Cai với báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng do Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm (Cục Địa chất Việt Nam) phối hợp với Công ty TNHH MTV Apatit thực hiện dưới sự giám sát của Trung tâm Phân tích Thí nghiệm Địa chất thuộc Cục Địa chất Việt Nam. Trữ lượng quặng apatit loại III trong phạm vi Giấy phép số 362/GP-BTNMT tiến hành thăm dò nâng cấp cho các loại quặng của khu Cam Đường I, mỏ apatit Lào Cai đạt gần 5,5 triệu tấn.