Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi giấy phép khai thác số 3226/GP-BTNMT ngày 30/12/2014 mỏ than Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ông Đỗ Tuấn Diệp – Công ty CP Địa chất Việt Bắc TKV, đơn vị tư vấn cho biết: Mục tiêu thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ này nhằm phục vụ công tác điều chỉnh dự án đầu tư khai thác, đồng thời làm rõ cấu trúc địa chất mỏ liên quan đến đặc điểm phân bố các thấu kính than, đặc điểm cấu tạo, chiều dày và chất lượng các thấu kính than.
Kết quả thăm dò đã nâng cấp được các khối tài nguyên lên trữ lượng cấp 122 phục vụ công tác khai thác tại mỏ than Núi Hồng; chính xác hơn về hình dạng, thế nằm, vị trí không gian, cấu tạo, chiều dày, chất lượng than các thấu kính than 1, 2, 3. Ngoài ra, việc đầu tư thăm dò thực hiện khu mỏ trong những năm qua đã đảm bảo hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác thiết kế và khai thác mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Toán – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, báo cáo đã thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu thăm dò đã có ở mỏ, đánh giá được chất lượng và tính được trữ lượng than nâng cấp từ các khối tài nguyên trong phạm vi giấy phép khai thác đã cấp.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng cấp 122 được nâng cấp từ tài nguyên cấp trong phạm vị giấy phép khai thác mỏ than Núi Hồng là 736.305 tấn.
Đối với kết quả thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Đồng Đăng, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Công, Công ty CP Tư vấn Khảo sát Thiết kế và Xây dựng Mỏ Địa chất, đơn vị tư vấn cho biết mục đích của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng và tính trữ lượng đá vôi đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng, nghiên cứu, làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, điều kiện khai thác mỏ trên diện tích thăm dò. Mục tiêu trữ lượng của đề án cấp 121+122 là 74 triệu tấn đá vôi. Kết quả thăm dò vượt hơn 24% mục tiêu đề ra do địa hình thực tế khu thăm dò cao hơn địa hình thiết kế đề án.
Ông Phạm Văn Hưng, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, công tác thăm dò đã thi công đủ để khoanh nối thân đá vôi làm cơ sở để đánh giá chất lượng, trữ lượng làm nguyên liệu xi măng ở cấp 121 và 122. Tuy nhiên, vị trí các lỗ khoan trên các tuyến thăm dò chưa thật hợp lý nên việc khống chế thân đá vôi theo mức cao của địa hình khu thăm dò bị hạn chế.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị đơn vị tư vấn và chủ đầu tư (Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn) đặc biệt chú trọng các công việc liên quan đến khảo sát, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đảm bảo hài hòa với cảnh quan, môi trường của khu vực thăm dò.
Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng nhất trí với trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng cấp 121+122 khoảng hơn 92 triệu tấn.
Đối với kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Chư Phốt 1, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, bà Huỳnh Thị Thanh Huy, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam), đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị đã làm rõ cấu trúc địa chất, cấu trúc thân đá granit và diorit tại khu thăm dò; đánh giá được chất lượng, trữ lượng của đá granit, diorit làm ốp lát, đá granit và diorit làm vật liệu xây dựng kèm theo; đánh giá được các đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ. Từng loại công việc của công tác thăm dò đã được triển khai hợp lý, đảm bảo độ tin cậy của trữ lượng khoáng sản và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá công tác thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Chư Phốt 1, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã tuân thủ các quy định về công tác thăm dò khoáng sản rắn.
Hội đồng đã thông qua trữ lượng đá diorit, granodiorit, granit cỡ khối lớn hơn hoặc bằng 0,4 m3 làm ốp lát cấp 121+122 là hơn 1,3 triệu m3; trữ lượng đá diorit, granodiorit, granit cỡ khối nhỏ hơn hoặc bằng 0,4 m3 làm vật liệu xây dựng thông thường cấp 121+122 là hơn 3,08 triệu m3; trữ lượng vật liệu san lấp là hơn 1,9 triệu m3; trữ lượng cát xây dựng là 778,5 nghìn m3; khối lượng đất phủ là 310,4 nghìn m3.