Quang cảnh cuộc họp
Báo cáo kết quả thăm dò quặng thiếc – kim loại hiếm khu vực Đồng Răm – La Vi, xã Ba Khâm và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đắc Đồng – Viện trưởng Viện Khoa học Trái đất và Môi trường, đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả công tác thăm dò địa chất cho thấy đơn vị đã thi công đầy đủ các hạng mục công việc theo đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt, tài liệu thi công tin cậy, đảm bảo đủ cơ sở để thành lập báo cáo.
Kết quả công tác thăm dò đã làm rõ cấu trúc địa chất khu mỏ; đánh giá chất lượng quặng, công nghệ tuyển, chế biến Liti, Berili, điều kiện khai thác mỏ đảm bảo đủ tin cậy để tính trữ lượng ở cấp trữ lượng 122 và tài nguyên cấp 333.
Kết quả của công tác thăm dò đã khoanh định được 41 thân quặng Li – Be và một số thấu kính nhỏ không ký hiệu, trong đó có 29 thân quặng tham gia tính trữ lượng, tài nguyên.
Kết quả nghiên cứu mẫu công nghệ đã tuyển thu hồi và chế biến được quặng Liti và Berili đạt chất lượng thương phẩm.
Kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn – địa chất công trình của khu mỏ đã phân chia được các đơn vị chứa nước. Đối với mỗi đơn vị chứa nước đã xác định diện phân bố, thành phần thạch học, chiều dày, tính chất thủy lực, mực nước tĩnh, tính thấm nước của đất đá.
Viện Khoa học Trái đất và Môi trường và Công ty Cổ phần Hương Hải – Quảng Ngãi (chủ đầu tư) kiến nghị, đối với khu vực Đồng Răm – La Vi, tiếp tục thăm dò nâng cấp trữ lượng đối với các khối tài nguyên cấp 333 đã xác định được trong khu vực thăm dò; triển khai thăm dò mở rộng trong các diện tích có triển vọng, chưa được thăm dò, đã được xác định theo kết quả đề án “Đánh giá triển vọng quặng thiếc và kim loại hiếm (Ta, Li, Be) vùng La Vi, tỉnh Quảng Ngãi” do Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đã thực hiện…
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, một số thành viên Hội đồng cho rằng trong giai đoạn thiết kế, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần tiếp tục lấy một số mẫu đại diện của đất, cát thải dự kiến được sử dụng cho các mục đích san lấp, xây dựng để phân tích, đánh giá các yếu tố nguy hại. Đồng thời, kiểm kê, thống kê đầy đủ sản lượng khai thác sau này và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu công nghệ thu hồi, chế biến Liti và Berili ở quy mô sản xuất nhằm xác định đầy đủ chi phí tuyển, chế biến sản phẩm thương mại; hoàn thiện quy trình, nâng cao hiệu quả tuyển, chế biến Liti, Berili và các khoáng sản vật liệu xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng nhất trí thông qua báo cáo và phê duyệt trữ lượng, với tổng trữ lượng và tài nguyên quặng là hơn 1,3 triệu tấn; tổng trữ lượng và tài nguyên Li2O hơn 6.600 tấn; tổng trữ lượng và tài nguyên BeO hơn 558 tấn.
Tại cuộc họp, Hội đồng cũng đã phê duyệt trữ lượng quặng ilmenit sa khoáng còn lại trong phạm vi Giấy phép khai thác khoáng sản số 153/GP-BTNMT ngày 8/2/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phía Đông mỏ Cây Châm thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, Hội đồng thông qua tổng trữ lượng ilmenit còn lại trong phạm vi giấy phép trên ở cấp 122 là hơn 28.600 tấn.