Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc, ăn thực phẩm chế biến sẵn có thể phòng ngừa, kiểm soát các triệu chứng của bệnh vảy nến.
Vảy nến là rối loạn tự miễn dịch có liên quan chặt chẽ với bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp. Vảy nến xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tự kích hoạt khả năng phòng vệ, tấn công các tế bào và mô (chủ yếu là lớp biểu bì) mà nó nhầm tưởng là có hại.
Các nhà nghiên cứu chưa xác định đầy đủ nguyên nhân gây bệnh vảy nến, nhưng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường, lối sống.
Tiếp xúc nhiều với ánh nắng
Ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao có thể làm da quá nóng và kích hoạt vảy nến. Thời tiết nóng, độ ẩm quá cao gây đổ mồ hôi, tắm nước nóng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để phòng tránh bệnh, mọi người nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu 30, mặc quần áo chống nắng và đội mũ khi ra ngoài trời. Chọn quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Tắm nước ấm và không quá 10 phút.
Uống rượu bia
Bia rượu có thể kích hoạt rối loạn chức năng miễn dịch dẫn đến viêm nhiễm, phát triển quá mức của tế bào da, khiến vảy nến nặng thêm. Các loại đồ uống này còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
Người uống rượu bia nên bỏ thói quen này, có thể dùng bia có nồng độ nhẹ hoặc rượu vang, uống không quá hai ly mỗi ngày.
Béo phì
Một nghiên cứu năm 2017 tại Ba Lan cho thấy béo phì là yếu tố nguy cơ đáng kể với bệnh vảy nến. Các tế bào mỡ tích tụ quá mức kích thích sản xuất protein cytokine, làm bùng phát các triệu chứng bệnh.
Tình trạng này thường biểu hiện dưới dạng bệnh vảy nến đảo ngược, phát triển ở các nếp gấp da bao gồm nách, dưới ngực, giữa mông, bụng, bẹn. Đây không chỉ là nơi tập trung nhiều tế bào mỡ nhất mà da còn dễ cọ xát vào nhau, gây ma sát.
Béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến điều trị, khiến bệnh nhân cần tăng liều thuốc để đạt được hiệu quả, dẫn tới tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Căng thẳng
Căng thẳng có tác động rất lớn đến hệ thống miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh vảy nến. Các đợt bùng phát vảy nến cấp tính có thể gây căng thẳng và làm cho bệnh nghiêm trọng hơn. Đây vừa là nguyên nhân vừa là yếu tố khiến bệnh kéo dài.
Căng thẳng về thể chất như do phẫu thuật hoặc sinh con cũng làm tăng nguy cơ bùng phát vảy nến. Tập thể dục thường xuyên, tập yoga, thiền và hít thở sâu giúp thư giãn, kiểm soát căng thẳng.
Hút thuốc
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh Vảy nến Mỹ năm 2016 cho thấy số lượng thuốc hút mỗi ngày liên hưởng đến việc điều trị vảy nến, thúc đẩy tình trạng viêm toàn thân, giảm hiệu quả của thuốc chống viêm.
Ăn uống không lành mạnh
Một số loại thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm và dẫn đến bùng phát bệnh vảy nến. Cụ thể là các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, xúc xích, thịt xông khói); sản phẩm từ bơ sữa; thực phẩm chứa gluten; thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp; cà chua, cà tím, khoai tây, tiêu…
Người bệnh có thể ghi lại nhật ký thực đơn hàng ngày để xác định tác nhân cụ thể gây vảy nến. Ưu tiên chế độ ăn nhiều trái cây, rau, protein nạc, cá, các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm viêm, ngăn ngừa bệnh.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)