Sau ngày quê hương giải phóng, đứng trước muôn vàn khó khăn phức tạp, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và đời sống, xây dựng chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng cuộc sống trong độc lập, hòa bình, thống nhất. Hội nghị Đại biểu nhân dân toàn tỉnh ngày 23/8/1975 đã khẳng định quyết tâm nhân dân Thừa Thiên Huế xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo.
Mười ba năm trong tỉnh hợp nhất Bình Trị Thiên, cán bộ, Đảng viên và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng tỉnh, đoàn kết hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới, tạo nên những biến đổi hứa hẹn đà đi lên tốt đẹp của tỉnh Bình Trị Thiên.
Sau khi phân định lại địa giới hành chính (1989), Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đứng trước những thách thức to lớn trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; nhất là các lực lượng thù địch coi Huế là một trong những trọng điểm để chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”,“bạo loạn lật đổ” ở nước ta.
Từ đại hội X (1991) đến đại hội XIII (2006) của Đảng bộ tỉnh là một quá trình trăn trở tìm tòi cơ cấu kinh tế thích hợp công nghiệp – du lịch, dịch vụ – nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định rõ các ngành trọng điểm, các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, đề ra 4 mũi nhọn kinh tế, các chương trình kinh tế – xã hội trọng điểm, các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu thực hiện.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước cực kỳ phức tạp lại thêm thiên tai, thời tiết quá khắc nghiệt, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều mặt: kinh tế tăng trưởng, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng phát triển tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các thành phần kinh tế phát huy tác dụng, đã hình thành các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ; khu kinh tế Chân Mây, phấn đấu thực hiện định hướng phát triển đô thị, chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng gò đồi, vùng đầm phá và ven biển. Một số chương trình, công trình trọng điểm được triển khai thực hiện như: chương trình cửa ngõ Bắc – Nam thành phố Huế, chương trình trồng rừng, hồ Truồi, nâng cấp sân bay Phú Bài, cảng Thuận An, đập Thảo Long, hồ Tả Trạch…
Sau ba mươi năm xây dựng và phát triển kinh tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng được thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc Tỉnh, năm 2008 được công nhận là thành phố Festival. Từ năm 1990 đến nay, kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và khá toàn diện (bình quân 8,4%/1 năm, cao hơn hẳn so với mức 7,4%/1 năm thời kỳ 1976 – 1889), thời kỳ 2001 – 2005 đạt bình quân 9,5%/1 năm, năm 2007 đạt 13,6%. Tiềm lực kinh tế được nâng cao một bước quan trọng, quy mô toàn nền kinh tế đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 1990, trong đó công nghiệp tăng 4,3 lần, dịch vụ tăng 2,5 lần, nông nghiệp tăng 1,2 lần. GDP bình quân đầu người đến năm 2007 đạt 560 USD, gấp 2,5 lần so với năm 1990.
Cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 19,7% (năm 1990) lên 34,1% (2004), ngành dịch vụ tăng tương ứng từ 36,1% lên 43,7%, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm nhanh từ 44,2% xuống còn 22,2%.
Văn hóa – xã hội đạt được những thành tựu đáng kể. Tiếp tục phát huy vị thế là trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là kiệt tác di sản của nhân loại. Chương trình xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến, ưu tiên tập trung cho 15 xã đặc biệt khó khăn và 27 xã nghèo khác, hạ tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 8%. Chương trình xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo được triển khai và bước đầu đem lại kết quả tốt. Hầu hết các xã đã từng bước xây dựng đường nông thôn, tạo cơ sở vật chất cho giáo dục, nhất là tiểu học, mẫu giáo, trạm y tế xã. Làng văn hóa đã được xây dựng, phát triển ở các huyện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đã thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng – an ninh trong tình hình mới. Cuộc vận động xây dựng xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư được nhân dân tích cực tham gia, xuất hiện nhiều mô hình tốt. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được mở rộng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế sẽ không ngừng phát huy hơn nữa những truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu viết tiếp những trang sử mới trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội – năm 2005)