BIÊN NIÊN SỰ KIỆN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỪ NĂM 1990 ĐẾN NAY (SAU NGÀY TÁI LẬP TỈNH THỪA THIẾN HUẾ 01/7/1989 THEO NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI KHÓA VIII THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5).
Giai đoạn 1990 – 2000
– Ngày 29/9/1990 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 345/HĐBT về việc điều chỉnh lại các địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
+ Chuyển 08 xã thuộc thành phố Huế nhập vào huyện Hương Phú (gồm các xã Thủy Bằng, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Mậu, Thuận An, Phú Thanh, Phú Dương, Phú Tân) và chuyển 09 xã thuộc thành phố Huế nhập vào huyện Hương Điền (gồm các xã Bình Thành, Bình Điền, Hương Điền, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Phong và Hải Dương). Thành phố Huế còn lại 18 phường và 05 xã.
+ Chia huyện Phú Lộc thành 2 huyện Phú Lộc (01 thị trấn, 17 xã) và huyện Nam Đông (9 xã).
+ Chia huyện Hương Phú thành 2 huyện: Hương Thủy (1 thị trấn, 11 xã) và huyện Phú Vang (21 xã).
+ Chia huyện Hương Điền thành 3 huyện: Hương Trà (1 thị trấn, 15 xã), Phong Điền (15 xã) và huyện Quảng Điền (10 xã).
Sau khi điều chỉnh địa giới, tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 thành phố và 8 huyện (Thành phố Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và Nam Đông).
– Từ ngày 24/4/1991 đến ngày 27/4/1991 tại thành phố Huế đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X (vòng I). Tham dự đại hội có 301 đại biểu đại diện cho gần 15.000 đảng viên của Đảng bộ Thừa Thiên Huế.
– Từ ngày 19/9/1991 đến ngày 22/9/1991, tại thành phố Huế đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X (vòng II). Tham dự đại hội có 301 đại biểu đại diện cho gần 15.000 đảng viên của Đảng bộ Thừa Thiên Huế. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 1991 – 1995 gồm 40 đồng chí.
– Ngày 23/9/1991 Tỉnh ủy họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 8 đồng chí: Vũ Thắng, Nguyễn Khoa Điềm, Võ Nguyên Quảng, Phạm Bá Diễn, Phan Văn Đường, Ngô Yên Thi, Nguyễn Đình Ngộ, Lê Văn Hoàng. Đồng chí Vũ Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Các đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Võ Nguyên Quảng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
– Ngày 19/7/1992, cử tri toàn tỉnh tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa IX. Thừa Thiên Huế có 5 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc Hội. Đó là các đồng chí: Lê Đức Anh, Nguyễn Đình Ngộ, Võ Nguyên Quảng, Nguyễn Khoa Kim Bội và Hòa thượng Thích Thiện Siêu.
– Ngày 11/12/1993, quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, mở ra những triển vọng mới trong việc phát triển văn hóa và du lịch.
– Ngày 20/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 605/TTg về việc phê duyệt phương hướng chủ yếu trong đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế đến năm 2010.
– Ngày 4/4/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định 30/CP thành lập Đại học Huế trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại các trường Đại học. Đại học Huế có 6 trường thành viên: đại học Khoa học, đại học Sư phạm, đại học Nông Lâm, đại học Y khoa, đại học Nghệ thuật, Đại học Đại cương và khoa Kinh tế.
– Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho 276 bà mẹ, trong đó có 114 mẹ còn sống ở Thừa Thiên Huế.
– Ngày 20/11/1994, toàn tỉnh đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đạt kết quả tốt với 99,83% cử tri đi bầu cử.
– Ngày 15/12/1994, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 1994 – 1999 tiến hành kỳ họp thứ nhất. Ông Ngô Yên Thi được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND. Ông Dương Vân Trình được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND. Ông Phan Văn Đường được bầu làm Chủ tịch UBND Tỉnh. Các ông Lê Văn Hoàng, Nguyễn Văn Mễ, Lê Viết Xê được bầu giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND Tỉnh.
– Ngày 30/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Huế.
– Từ ngày 7 đến ngày 10/5/1996 tại thành phố Huế đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ XI. Có 348 đại biểu đại diện cho hơn 16.000 đảng viên của 20 đảng bộ trực thuộc trong toàn Đảng bộ tỉnh đã về dự. Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 47 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất BCH Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XI tiến hành bầu Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Đồng chí Ngô Yên Thi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
– Tháng 11/1999, diễn ra cơn lũ lịch sử, đây là trận lũ lớn chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua làm 372 người chết, mất tích, 94 người bị thương; toàn tỉnh có 139/150 xã, phường, thị trấn bị ngập sâu, hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới và các xã vùng gò đồi đều bị lũ quét nặng…
– Chiều ngày 13/11/1999, tại Nhà văn hóa trung tâm, Tỉnh ủy tổ chức lễ truy điệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh và tử nạn trong lũ lụt.
– Ngày 12/12/1999, Thừa Thiên Huế tiến hành bầu cử HĐND ba cấp.
– Từ ngày 8 đến 20/4/2000, Festival Huế 2000 – kết quả của sự hợp tác, giao lưu văn hóa Việt – Pháp diễn ra ở cố đô Huế, là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế và hội nhập với nền văn hóa tiên tiến thế giới.
___________________________________________________
Giai đoạn 2001 – 2010
– Ngày 02 đến 05/01/2001, tại thành phố Huế đã diễn ra Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XII. Đại hội có 380 đại biểu tham dự. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 47 đồng chí. Đồng chí Hồ Xuân Mãn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
– Ngày 4 đến 15/5/2002, tại Huế đã diễn ra Festival Huế 2002
– Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
– Từ 12/6 đến 20/6/2004, tại Huế diễn ra festival Huế 2004.
– Từ 5/8 đến 15/8/2004 tại thành phố Huế diễn ra Hội khỏe phù đổng lần thứ VI. Có 62/64 đoàn đạt huy chương, 3 đoàn dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Hà Nội.
– Từ 15 đến 17/7/2005, tại Huế đã diễn ra Festival nghề truyền thống lần thứ nhất.
– Ngày 24/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Ngày 6 đến 9/12/2005, tại thành phố Huế đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII. Đại hội đã bầu BCH gồm 49 đồng chí, 13 đồng chí trong BTV Tỉnh ủy. Đồng chí Hồ Xuân Mãn, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XII được bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XIII.
– Từ ngày 3 đến 11/6/2006, tại Huế đã diến ra Festival Huế 2006
– Từ ngày 8 đến 10/6/2007, tại Huế đã diễn ra Festival nghề truyền thống lần thứ hai.
– Này 3/6/2008, UBND thành phố Huế long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival.
– Từ ngày 3 đến 11/6/2008, tại Huế đã diễn ra Festival Huế 2008
– Ngày 9/6/2008, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương độc lập hạng nhất.
– Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Từ ngày 12-14/6/2009 đã diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2009 với chủ đề “Nghề truyền thống – Bản sắc và phát triển”.
– Ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam
– Ngày 09/02/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về việc thành lập thị xã Hương Thủy và thành lập các phường thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Ngày 25/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP thành lập thêm 3 phường: Hương Long, Thủy Xuân, Thủy Biều thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
– Ngày 26/3/2010, Thừa Thiên Huế làm Lễ mittinh kỷ niệm 35 năm ngày quê hương hoàn toàn giải phóng và lễ kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Hà Nội – Huế – Sài Gòn “là cây một cội, là con một nhà”.
– Ngày 21/8/2010, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh diễn ra khai mạc Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III.
– Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã bầu Ban chấp hành mới gồm 55 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh uỷ khóa XIV, nhiệm kỳ 2010-2015.
____________________________________________________
Giai đoạn 2011 – 2020
– Ngày 22/5/2011 đã diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 790.118 cử tri tham gia bầu cử, chiếm tỷ lệ 99,99%.
– Ngày 15/11/2011, Chính phủ vừa Nghị quyết số 99/NQ-CP về việc thành lập thị xã Hương Trà với 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 7 phường và 9 xã.
– Từ ngày 07-15/4/2012 đã diễn ra Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử” và khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ – Huế 2012
– Từ ngày 27/4/2013 đến 1/5/2013 diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2013 với chủ đề: Tinh hoa nghề Việt
– Ngày 14/5/2014, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6, Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn” chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.
– Ngày 04/8/2015, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã diễn ra Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV
– Từ ngày 22-24/10/2015, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 53 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 14 đồng chí. Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh uỷ khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020.
– Festival Huế lần thứ 9 năm 2016 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 04/5/2016.
– Ngày 19/5/2016, tại Hội nghị lần thứ 7 – Ủy ban chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là di sản tư liệu thế giới.
– Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra ngày 22/5/2016. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 877.939/877.975 cử tri đi bầu, đạt tỷ lệ 99,996%. Đại biểu HĐND tỉnh gồm 53 người; ông Lê Trường Lưu, Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VI tái đắc cử Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
– Ngày 28/6/2016, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đón nhận danh hiệu Thành phố xanh Quốc gia năm 2016 (thành phố đầu tiên của Việt Nam) do Quỹ bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) tổ chức. Đến nay, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 3 danh hiệu là: “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố Bền vững về Môi trường” do ASEAN bình chọn năm 2014 và danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia năm 2016”.
– Từ ngày 3/3 đến ngày 5/3/2017, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm Huế. Đây là một sự kiện đánh dấu cho sự hợp tác bền chặt và hiệu quả giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương và đối tác Nhật Bản trong thời gian qua, mở ra một chương mới trong mở rộng quan hệ hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.
– Ngày 14/4/2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL công nhận Hải Vân Quan là Di tích Quốc gia. Quyết định Công nhận Hải Vân Quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là một tín hiệu đáng mừng cho Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trong đầu tư cải tạo và quản lý cho di tích, tôn thêm vẻ đẹp cho cung đường thiên lý Bắc – Nam qua đèo Hải Vân và phục vụ phát triển du lịch.
– Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7 “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ 28/4 đến ngày 2/5/2017.Festival nghề truyền thống lần thứ 7 tiếp tục là nơi hội tụ, trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề của Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trong cả nước. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế Cố đô xanh – di sản thế giới – Thành phố an toàn và thân thiện.
– Từ ngày 26 đến 29/9/2017, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 diễn ra tại thành phố Huế. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.
– Ngày 27/01/2018, thị xã Hương Thủy long trọng tổ chức lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã Dương Hòa là xã An toàn khu.
– Từ ngày 27/4 đến ngày 02/5/2018, Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế 1 điểm đến 5 di sản” diễn ra trên địa bàn thành phố Huế và các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế với tham gia của 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ của cả 5 Châu Lục đã mang đến cho khán giả hàng trăm chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt và tinh hoa văn hóa các nước trên Thế giới.
– Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa VII nhiệm kỳ 2016 – 2021 (ngày 04/6/2018) đã bầu ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
– “Ngày hội xe đạp quốc tế tại Huế” là một sự kiện thể thao được tổ chức lần đầu tại Huế từ ngày 24-26/8/2018. Giải đua này sẽ trở thành sự kiện thể thao đầu tiên ở Việt Nam và là một trong các sự kiện thể thao ở Đông Nam Á được đăng ký với Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) vào năm 2019.
– Tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào (ngày 29/11/2018). Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước CHDCND Lào đối với những đóng góp quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam – Lào trong thời gian qua.
– Ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Lăng Cô – Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1774/QĐ-TTg).
Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DLQG; phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.
– Thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế có chức năng tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh, thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh. Trung tâm chính thức hoạt động từ ngày 02 tháng 01 năm 2019.
– Công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018. Đây là năm đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đánh giá DDCI trên địa bàn tỉnh. Top 5 đơn vị (cấp sở, ban, ngành) dẫn đầu lần lượt là: Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp; Sở Nội vụ. Top 5 đơn vị (cấp huyện) dẫn đầu lần lượt là: UBND huyện Quảng Điền, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Thủy.
– Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 năm 2019, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ ngày 26/4 đến 02/5/2019.
Festival nghề truyền thống Huế tiếp tục khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản Huế và ngành nghề truyền thống của các vùng miền trong nước; giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghề, các sản phẩm nghề thủ công và ẩm thực truyền thống của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
– Ngày 15/5/2019, tại Quảng trường Trung tâm huyện A Lưới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2019).
– Ngày 20/5/2019, Giải pháp Trung tâm Điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế do Tập đoàn công nghiệp viễn thông Viettel triển khai được trao giải thưởng viễn thông châu Á – Telecom Asia Awards 2019 ở hạng mục dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
– Thừa Thiên Huế vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất sau 30 năm tái lập tỉnh (1/7/1989 – 1/7/2019). Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất tổ chức trang trọng vào ngày 17/8/2019.
– Cuối tháng 3/2020, nhà hát sông Hương đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, đây là một công trình kiến trúc được thiết kế độc đáo, điểm nhấn cho không gian đô thị Huế bên dòng sông Hương với 1.000 chỗ ngồi.
– Ngày 09/7/2020, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu. Đây là lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát người khai sinh Áo dài Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu Huế – Kinh đô áo dài.
– Chiều Ngày 3/10, tại Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế- Sài Gòn (8/10-1960-8/10/2020).
– Diễn ra từ ngày 21-23/10/2020. Chủ đề của Đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
– Đại hội đã bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI gồm 50 đồng chí. Tại phiên họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy Khóa XV, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khóa XVI.
– Ngày 06/12/2020, 367 “Học sinh danh dự toàn trường” đã được vinh danh lần đầu tiên tại Quốc tử giám. Đây là danh hiệu danh dự lần đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh dành trao thưởng cho học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện trong năm học nhằm động viên, tôn vinh, khuyến khích sự học và trọng dụng người tài đến với toàn xã hội.
– Ngày 21/12/2020, máy bay đầu tiên của Vietravel Airlines đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phú Bài. Vietravel Ariline là hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng Chính Phủ cấp phép hoạt động có căn cứ tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) có tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỉ đồng, thời gian hoạt động dự án 50 năm với với trên 30 máy bay.
– Năm 2020 là năm hoàn thành di dân khu vực Thượng Thành. Khu dân cư mới Hương Sơ được hình thành đem lại sự ổn định cho dân cư. Bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân, công tác di dời dân cư khu vực Thượng Thành đã được hoàn thành. Các hộ dân đã xây dựng nhà ở ổn định tại khu vực dân cư mới (phường Hương Sơ, thành phố Huế); 25 nhà ở cho các hộ nghèo cũng đã được bàn giao theo hình thức chìa khóa trao tay để người dân an cư, lạc nghiệp. Thành công bước đầu trong việc di dời dân cư khu vực Thượng Thành là tiền đề và động lực cho những đợt di dân giai đoạn tiếp theo thuộc dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, hệ thống di tích kinh thành Huế.
Giai đoạn 2021 – nay
Năm 2021:
– Ngày 17/3, tại Lầu Tàng Thư, UBND tỉnh đã tổ chức lễ Công bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên của tủ sách Huế – Địa chí văn hóa Huế. Việc hình thành tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực…
– Ngày 29/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết 79/NQ-UBND về việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 thì tổng số đại biểu ấn định cho HĐND tỉnh là 51 đại biểu, tổng số người ứng cử là 86 người, tổng số người trúng cử đại biểu HĐND tỉnh là 51 người.
– Ngày 28/6/2021, tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa VIII, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026.
– Ngày 01/7/2021, theo Nghị Quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố); 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường và 7 thị trấn).
Thành phố, thị xã và các huyện | Số xã Số | Số phường, thị trấn | Diện tích (km2) |
Cả tỉnh | 95 | 46 | 5.025,29 |
Thành phố Huế | 7 | 29 | 265,99 |
Phong Điền | 15 | 1 | 948,23 |
Quảng Điền | 10 | 1 | 163,05 |
Hương Trà | 4 | 5 | 392,32 |
Phú Vang | 13 | 1 | 235,39 |
Hương Thủy | 5 | 5 | 426,96 |
Phú Lộc | 15 | 2 | 720,36 |
A Lưới | 17 | 1 | 1225,21 |
Nam Đông | 9 | 1 | 647,78 |
– Ngày 13/11, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022 và thực hiện trong 5 năm.
– Từ ngày 18 – 20/11 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”.
– Ngày 23/11, tại Bảo tàng Hồ Chí minh, thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế.- Ngày 23/11/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1972/QĐ-TTg công nhận thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
– Ngày 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Dự án chính thức được thực hiện từ ngày 23/11/2021 và dự kiến hoàn thành vào ngày 23/8/2025.
– Ngày 25/11, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và Công ty TNHH AEON MALL Việt Nam đã trao Văn kiện Bản ghi nhớ về Quyết định đầu tư Trung tâm thương mại tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Ngày 19/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được xây dựng tại đỉnh đèo Hải Vân, giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với diện tích khoảng 6.500m2. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm.
Năm 2022:
– Ngày 24/2, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Sau 9 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đến tháng 9/2019, Hương Thủy có 7/7 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Từ năm 2011- 2019, Hương Thủy đã nhận hỗ trợ, huy động từ nhiều nguồn lực với tổng nguồn vốn hơn 2.490 tỷ đồng, ngoài ra, nhân dân đã hiến 15.730m2 đất, 1.409m tường rào, 4.928 cây cối, 50.830 công lao động… Từ sự chung tay này, diện mạo vùng nông thôn Hương Thủy thay đổi rõ rệt, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn được đảm bảo theo chuẩn NTM với 86,424 km đường trục xã, 52,086 km đường trục thôn; 140 km đường giao thông nội đồng; tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên và đảm bảo bảo an toàn đạt 100%; 100% diện tích đất sản xuất lúa được cơ giới hóa; hình thành các vùng cây ăn quả tập trung cho thu nhập cao, lợi nhuận từ 200 – 300 triệu/ha/năm; thu nhập bình quân các xã xây dựng NTM năm 2020 đạt trên 45 triệu đồng; tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn thị xã đạt 98%; tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 1,89% (theo chuẩn mới)…
Trước đó, ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020, đồng thời, là đơn vị cấp huyện đầu tiên của Thừa Thiên Huế vinh dự đạt được thành tích này.
– Ngày 17/3, UBND tỉnh tổ chức lễ ký kết trực tuyến Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam về thực hiện dự án “Làng hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc”.
Mục tiêu dự án được ký kết giữa Thừa Thiên Huế và KOICA nhằm cải thiện an ninh con người cho cộng đồng ở các khu vực mục tiêu; Tăng cường phát triển nông thôn bền vững thông qua tăng cường sinh kế bền vững và cơ sở hạ tầng cho các cộng đồng mục tiêu. Dự án được triển khai tại huyện A Lưới từ năm 2022 đến năm 2026 với nguồn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không vượt quá 3.229.246 USD.
–Ngày 26/3, tại Thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ khởi công Dự án: Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (Dự án). Dự án đầu tư đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2021. Chủ đầu tư: Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông (giai đoạn thực hiện dự án).
Mục tiêu của Dự án là hình thành tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế; trong đó, vị trí xây dựng tuyến đi vào gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 1km, cục bộ không đi xa biển quá 2km) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc – Nam và tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.
Quy mô đầu tư (giai đoạn 1) dài 7.785m; từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao QL49A – QL49B thuộc phường Thuận An. Trong đó cầu qua cửa Thuận An dài 2.360,6m; Mặt cắt ngang tuyến: 26m; Bề rộng cầu: 20,0m. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1): 2.400 tỷ đồng (Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 3.496 tỷ đồng). Thời gian thi công hoàn thành công trình là 03 năm.
– Ngày 17/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tiếp nhận cổ vật đấu giá thành công ở nước ngoài do Tập đoàn Sunshine hiến tặng và thực hiện Trưng bày Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Các hiện vật Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn đã được hội đồng thẩm định với sự tham gia của các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà sưu tập cổ vật nhận định và đánh giá: đây đều là những cổ vật có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 gắn liền với đời sống cung đình triều Nguyễn, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Sự trở về của Chiếc Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn đã bổ sung vào nguồn cổ vật của một bảo tàng vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế.
– Ngày 23/4, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sao Khuê năm 2022 tại Hà Nội. Trải qua các vòng sơ loại, thuyết trình, bình chọn, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế với sản phẩm “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” đã vinh dự được Hội đồng giám khảo bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, Công nghệ thông tin Việt Nam và được công nhận đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2022 lĩnh vực các nền tảng chuyển đổi số.
– Từ ngày 25 – 30/6, Festival Huế 2022 được tổ với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển ”. Các đoàn nghệ thuật lớn trong và ngoài nước đã tham gia chuỗi 8 chương trình chính, 34 buổi biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu đầy màu sắc và hơn 30 hoạt động hưởng ứng, đồng hành, trưng bày, triển lãm liên tục trong 6 ngày đêm tại 11 sân khấu và điểm diễn trên địa bàn. Tuần lễ Festival Huế 2022 thu hút hơn 180.000 du khách đến Huế; đồng thời các chương trình cũng đã tạo hiệu ứng và sức lan tỏa lớn trên các nền tảng mạng xã hội với hơn 7.770.000 lượt xem.
Festival Huế 2022 là lễ hội đầu tiên được tổ chức theo định hướng bốn mùa.
– Ngày 17/6, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Quảng Điền hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình NTM, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, Quảng Điền đã phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực “chung sức, đồng lòng” để xây dựng huyện, xã NTM, đạt những thành quả đáng trân trọng.
Đến nay, huyện đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, huyện Quảng Điền đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM 2020 tại Quyết định ngày 9/5/2022. Đặc biệt, trong 10 xã đạt chuẩn NTM có 7 xã là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, tỷ lệ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM của huyện đạt rất cao (99,88%)…
– Ngày 02/7, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (địa chỉ tại số 144, Đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP Huế) đã chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan.
Nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quê hương và đất nước, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển hệ thống các bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-UBND về việc cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập – Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại địa chỉ số 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày là 395, nội dung trưng bày phong phú, khoa học, hiện đại, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hứa hẹn sẽ là một điểm tham quan, học tập, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
– Ngày 19/8, Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2022 đã chính thức khai mạc tại sân vận động Tự do Huế. Đây là sự kiện chính trị – văn hóa của tỉnh, một hoạt động lớn của ngành TDTT nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đại hội TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2022, có sự tham gia của hơn 2.500 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành trong tỉnh. Các đội sẽ tranh tài ở 16 môn thi đấu, gồm: Bóng đá, Bóng bàn, Bóng chuyền, Cầu lông, Đua ghe,Taekwondo,Karatedo,Vật, Đá Cầu,Việt dã, Điền kinh, Bơi lội, Cờ vua, Cờ tướng và Bắn nỏ.
– Ngày 01/9, UBND huyện A Lưới tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia” xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồi A Bia là ngọn đồi thuộc dãy Trường Sơn (thuộc địa phận thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), giữa vùng núi cạnh biên giới Việt – Lào, cao 937m so với mực nước biển, có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn của thung lũng A Lưới. Phía Bắc dọc theo sông Đáp Lim có 2 điểm cao 916 và 903, kết hợp với điểm 937 đồi A Bia đứng thành thế chân kiềng cách nhau 300 – 400m. Đường đến A Bia rất hiểm trở nhưng trên đỉnh đồi lại tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng sân bay dã chiến, các công trình quân sự, kho tàng, trận địa pháo…
– Ngày 08/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ khởi công Dự án “Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2” tại Khu bến Chân Mây thuộc cảng biển Thừa Thiên Huế.
Với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có như đã nêu trên; và sau khi hoàn thành giai đoạn 2 Dự án Đê chắn sóng với chiều dài 750m, các cầu cảng tiếp theo với chiều dài đến 1450m; Cảng Chân Mây đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa). Qua đó tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1261/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố.
Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 4.947 km2 (Diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
– Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Nghị định nêu rõ, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
-Ngày 11/11, tại thị xã Hương Thủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex tổ chức lễ khởi công Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex là nhà đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 10/3/2021. Quy mô sử dụng đất của Dự án là 460,85 ha; tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng; thu hút khoảng 20 – 30 ngàn lao động.
Khu công nghiệp Gilimex tại tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí thuận lợi, gần Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (cách 2km), nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 1A và nối thẳng từ sân bay Phú Bài đến TP. Huế, là điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông Tây; cách Cảng Chân Mây 50km; cách Cảng Đà Nẵng và trung tâm thành phố Đà Nẵng 80km. Khu công nghiệp Gilimex được chia làm 2 phân khu A và B. Đến nay, phân khu A đã san lấp mặt bằng được 50% và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật là 10%, dự kiến hoàn tất và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp trong quý 4/2022. Sau khi hoàn tất phân khu A, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex sẽ tiến hành ngay việc san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật phân khu B.
– Ngày 23/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ Khởi công Dự án đường Nguyễn Hoàng và Cầu vượt qua sông Hương, thành phố Huế.
Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương thuộc tuyến đường vành đai 3 – là trục giao thông chính, xuyên tâm vào thành phố, kết nối liên thông 02 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà – Hương Thủy với thành phố Huế. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng Hạc chầu Thiên Mụ, mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất Cố đô linh thiên; hài hòa với danh lam thắng cảnh, di sản và Văn hóa Huế. Dự án do Liên danh Công ty tư vấn có uy tín của Nước ngoài và Việt Nam thực hiện; là bước hiện thực hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tạo động lực, điểm nhấn cho khu vực phía Tây thành phố Huế.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và Cầu vượt qua sông Hương có tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 2.281.569 triệu đồng; giai đoạn 1 là 1.855.655 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương.
–Ngày 25/12, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây phối hợp Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An tổ chức khai trương tuyến container tại Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đánh dấu việc mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.
-Ngày 31/12, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị long trọng tổ chức lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ – La Sơn thuộc “Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2022”.
Dự án thành phần đoạn Can Lộ – La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có ý nghĩa quan trọng, khởi đầu cho việc hình thành một tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Dự án đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ, đặc biệt đã đánh dấu mốc quan trọng, là một trong các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đầu tiên hoàn thành, góp phần tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đáp ứng chiến lược phát triển Giao thông vận tải và kinh tế – xã hội của cả nước.
(Các sự kiện lịch sử sẽ tiếp tục được tổng hợp và biên soạn bổ sung).