Ngày 31/5/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng 07 chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học của Nhà trường, gồm: Báo chí, Quan hệ công chúng, Khoa học Quản lý, Quản trị khách sạn, Quản trị văn phòng, Tôn giáo học và Việt Nam học.
Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng 07 chương trình đào tạo trình độ đại học
Tham gia buổi lễ có đại diện các bên. Về phía Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Giám đốc, TS. Phí Thị Nguyệt Thanh – Phó Giám đốc. Về phía các đơn vị thuộc ĐHQGHN có sự tham dự của TS. Bùi Vũ Anh – Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục – ĐHQGHN. Về phía Trường ĐHKHXH&NV có sự tham dự của PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương – Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông; TS. Vũ Hương Lan – Phó trưởng Khoa Du lịch học; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng Khoa Khoa học Quản lý; TS. Cam Anh Tuấn – Trưởng Khoa Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng; TS. Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt; PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh – Trưởng Bộ môn Tôn giáo học. Ngoài ra còn có sự tham dự của lãnh đạo các phòng chức năng, giảng viên, nghiên cứu viên các Khoa/Viện/Bộ môn trực thuộc, đại diện sinh viên của 07 CTĐT được trao Giấy chứng nhận.
TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đánh giá cao chất lượng các CTĐT và tâm huyết của nhà trường trong hoạt động kiểm định
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, “làm thật, chất lượng thật, không ngại thay đổi” của Ban giám hiệu và giảng viên, cán bộ, học viên, sinh viên của nhà trường trong quá trình triển khai chương trình kiểm định. Nhà trường thường xuyên tiếp cận với các bộ tiêu chuẩn khác nhau trong nước và quốc tế nhằm hoàn chỉnh các chương trình đào tạo, tiến tới tự chủ trong hoạt động đào tạo, ngành các ngành đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế… Nếu so với tỷ lệ 17 – 18% CTĐT trong cả nước được kiểm định hiện nay, có thể thấy nỗ lực vượt bậc của thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Việc được cấp Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng 07 CTĐT trình độ đại học là dấu mốc quan trọng thể hiện sự phát triển của Nhà trường, đòi hỏi nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn các CTĐT để đáp ứng với kỳ vọng của xã hội. TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cũng tin tưởng rằng với chiến lược phát triển bền vững, với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về Khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ thực hiện được mục tiêu chiến lược đến năm đến năm 2025 đưa trường đứng vào nhóm 150 các trường đại học hàng đầu Châu Á, năm 2035 vào nhóm 100 các trường đại học hàng đầu châu lục và ngang tầm với các đại học tiên tiến (thuộc nhóm 500) của thế giới.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là cơ sở đầu tiên trong Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục từ năm 2006 và cũng là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, triển khai mạnh mẽ hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài đối với các CTĐT. Cho đến nay, đã có 18/31 CTĐT bậc cử nhân của nhà trường được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Theo PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, 07 CTĐT được nhận Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng đại diện cho 02 nhóm ngành quan trọng của nhà trường. Nhóm thứ nhất là các ngành đào tạo có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu về nguồn nhân sự chất lượng cao của xã hội, thu hút lượng người học lớn, như ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Khoa học Quản lý, Quản trị khách sạn, Quản trị văn phòng. Nhóm thứ hai là các ngành khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, như ngành Tôn giáo học, Việt Nam học.
Điểm đặc biệt là trong số các CTĐT này có rất nhiều ngành thể hiện vai trò dẫn dắt, tiên phong của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong lĩnh vực đào tạo. Khoa Việt Nam và học Tiếng Việt là đơn vị giàu truyền thống bậc nhất của cả nước về đào tạo Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, và nay là đơn vị duy nhất ở Việt Nam xây dựng 02 chương trình đào tạo dành cho hai đối tượng riêng biệt là người Việt Nam và người nước ngoài. Bộ môn Tôn giáo học cũng là chương trình đầu tiên và duy nhất (tính đến năm 2022) đào tạo hệ cử nhân chính quy ngành Tôn giáo học.
Các ý kiến tư vấn, chỉ dẫn sâu sắc, xác đáng của Đoàn đánh giá ngoài đã giúp nhà trường ngày một hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, phục vụ cho hoạt động dạy và học. Với 100% các thành viên của Đoàn đánh giá ngoài thông qua, 07 CTĐT của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã đạt tiêu chuẩn kiểm định theo Tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, hoạt động kiểm định tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã được triển khai từ tháng 12/2022 và qua các bước đánh giá khắt khe, nghiêm ngặt theo Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các CTĐT trình độ đại học của Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT.
PV