Nhờ nâng cấp quan hệ, Việt Nam đang có thời cơ chuyển dịch nền kinh tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu, theo chuyên gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden ngày 11/9 nói, cần xem kinh tế, thương mại, đầu tư là “động cơ vĩnh cửu” của hợp tác song phương.
Việc Việt Nam – Mỹ tuyên bố thức xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, “độ tin cậy, hiểu biết giữa hai nước được nâng lên, chắc chắn tạo thành động lực cho hợp tác lâu dài về kinh tế”. Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, chuyển dịch, cạnh tranh giữa các nước lớn, theo ông, Mỹ rất cần những nơi tin cậy, đảm bảo sản xuất.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, ý nghĩa của quan hệ Việt – Mỹ lên mức cao nhất là xây dựng được niềm tin chiến lược, là cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư lâu dài.
TS Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Yusof Ishak Singapore, nói chính quyền ông Biden đang đẩy mạnh chiến lược giảm thiểu rủi ro (de-risking), dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các đối tác thân thiện, bằng hữu (friend-shoring). Và việc Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ, tạo cơ sở khai thác được cơ hội chiến lược này.
“Đây là điều kiện đủ – tức một mối quan hệ về mặt chính trị, bảo vệ cho doanh nghiệp hai bên làm ăn, phát triển”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, đánh giá. Tiền đề của nó, chính là mối quan hệ làm ăn thuận lợi, tương hỗ giữa doanh nghiệp Việt – Mỹ hàng chục năm qua.
Chiến lược friend-shoring đã được phía Mỹ đề cập với Việt Nam trong chuyến thăm tháng 7 của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Bà nói, Mỹ muốn mở rộng quan hệ thương mại, đa dạng hoá chuỗi cung ứng giữa nhiều đối tác tin cậy như Việt Nam. Điều này nhằm giảm thiểu các cú sốc toàn cầu, rủi ro địa chính trị. Từ 2021, Mỹ đã đẩy mạnh nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt với ngành bán dẫn, chứa đựng nhiều công nghệ chủ chốt.
Cơ hội đầu tiên của Việt Nam là chuyển dịch nền kinh tế theo hướng hiện đại, gắn kết vào chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Trong tuyên bố chung, Mỹ cam kết, hỗ trợ Việt Nam đào tạo, phát triển lực lượng lao động công nghệ cao; ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại đây.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp của Mỹ về bán dẫn đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thời gian qua. Amkor Technology (trụ sở ở Arizona) dự kiến hoàn công nhà máy bán dẫn 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng 9/2023, cuối tháng 10 sản xuất thử. Phía doanh nghiệp cho biết, đây là nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu. Giữa tháng 5, Tập đoàn Công nghệ Marvell công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP HCM – đứng ngang với các trung tâm của Marvel tại Mỹ, Ấn Độ, Israel.
Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tiến xa hơn về thương mại, nhất là khi đang phải đối mặt với số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do kinh tế toàn cầu tăng chậm lại.
Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden khẳng định, Việt Nam và Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế; giải quyết rào cản tiếp cận thị trường thông quan Hiệp định khung về thương mại & Đầu tư.
“Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, có thế mạnh như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng tích cực”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá. Các mặt hàng nông sản Việt Nam cũng được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ. Hồi tháng 8, dừa tươi cạo vỏ là loại trái cây thứ tám được xuất khẩu chính ngạch sang nước này.
Số liệu từ cơ quan thống kê cho biết, thương mại Việt – Mỹ đạt gần 124 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp 275 lần trong 27 năm. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN.
Dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, vì cơ hội này không ngẫu nhiên thành hiện thực.
Đơn cử, với việc tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao, ông Nguyễn Quang Đồng nói, cần nhìn nhận lại những thất bại đã gặp phải với ngành công nghiệp phụ trợ hàng chục năm nay.
Việc hệ sinh thái cho công nghiệp phụ trợ còn thiếu, yếu, khiến doanh nghiệp Việt hầu như chỉ làm gia công, thuộc tầng thấp nhất. Với chuỗi cung ứng công nghệ cao, các yêu cầu, đòi hỏi sẽ còn khắc nghiệt hơn.
“Chúng ta cần phải phân tích kỹ xem trong chuỗi cung ứng mới này, mình sẽ chen chân được vào mắt xích nào, từ đó, đầu tư cho doanh nghiệp trong nước một cách bài bản, có chiến lược. Đừng nghĩ ngay lập tức có thể tham gia vào”, ông Đồng nói. Điều này nhằm tránh lặp lại thất bại chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI giai đoạn trước.
“Bản thân Việt Nam phải nâng cao năng lực để có thể hấp thụ được cơ hội mới”, Đại sứ Phạm Quang Vinh bổ sung. Theo ông, lúc này Chính phủ cần cùng với phía Mỹ triển khai những quyết sách lớn đã đề ra, tập trung vào khung chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Hay với thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, Mỹ là thị trường nhập khẩu cực lớn, siêu cạnh tranh với quy mô 3.277 tỷ USD, đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng.
Doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, và nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”. Doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng, tìm kiếm các thị trường ngách để giảm rủi ro.
Ông Nguyễn Khắc Giang cũng cho rằng, lúc này, điều quan trọng nhất phải tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tận dụng được thời cơ, trở thành một phần không thể thiếu trong dòng hàng hoá, dịch vụ toàn cầu.
“Khi thời điểm ‘thiên thời’ này qua đi, bản thân nền kinh tế Việt Nam phải có đủ nội lực để đứng ở vị trí cao hơn trên thế giới”, ông nói.
vnexpress.net