Theo trang news.com.au, Mỹ đang điều chỉnh các tàu ngầm để phù hợp với nhu cầu cụ thể của chính mình chứ không phải của Úc. Thông tin trên xuất hiện sau khi Cơ quan Nghiên cứu quốc hội mới đây công bố báo cáo về việc mua sắm SSN lớp Virginia của hải quân. Báo cáo đã nêu rõ các câu hỏi mà Mỹ vẫn chưa giải quyết được, trong đó nổi bật là liệu Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu tàu ngầm của mình và của Úc, cũng như những rủi ro khi cung cấp cho Canberra công nghệ này.
Mỹ lo lực lượng suy giảm
Báo cáo nêu rõ việc bán 3 – 5 chiếc SSN lớp Virginia cho Úc sẽ làm giảm quy mô tàu ngầm của hải quân Mỹ. Con số 49 chiếc hiện tại sẽ giảm xuống còn 46 vào năm 2028. Trong khi đó, các chương trình sản xuất hiện có chỉ nâng con số này lên 60 vào năm 2052, vẫn chưa giúp Mỹ đạt mục tiêu duy trì tối thiểu 66 SSN, theo news.com.au.
Do đó, đã có những hoài nghi rằng thỏa thuận sẽ làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc đối phó Trung Quốc. Báo cáo cho thấy Mỹ cũng tỏ ra lo ngại rằng nước này sẽ “mất hoàn toàn” các tàu ngầm chuyển cho Úc nếu Canberra không hỗ trợ Mỹ trong các cuộc xung đột tiềm tàng. Suy đoán này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles vào tháng 3 nói nước này “hoàn toàn không” hứa sẽ hỗ trợ Mỹ, khi được hỏi về vấn đề Đài Loan.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng xung đột ở Ukraine có thể khiến Nga trao đổi nhiều công nghệ quân sự, nhất là trong lĩnh vực tàu ngầm, với Trung Quốc, và đặt ra thách thức lớn hơn cho Mỹ. Mặc dù việc này có thể giải quyết bằng cách tăng số lượng tàu ngầm được sản xuất mỗi năm. Tuy nhiên, báo cáo cho biết chưa có đơn đặt hàng bổ sung nào được thực hiện. Mỹ chỉ có 2 nhà máy đóng tàu có khả năng đóng SSN.
Tổng thống Biden ca ngợi thỏa thuận tay ba AUKUS giúp Úc có tàu ngầm hạt nhân
Nhiều vấn đề đặt ra cho Úc
Một vấn đề đặt ra đối với Úc là tài chính. Dự kiến, nước này phải chi nhiều tiền hơn để mua SSN lớp Virginia từ Mỹ, do Washington đang hướng đến sản xuất một phiên bản tàu ngầm lớn hơn. Dù điều này đảm bảo tàu ngầm có thể chở thêm tên lửa hành trình Tomahawk hoặc máy bay không người lái (UAV), nhưng cũng đồng thời nâng chi phí của chúng.
AUKUS thử nghiệm thành công UAV AI
Mới đây, chuyên trang quân sự Mỹ Defense New đưa tin AUKUS đã thử nghiệm thành công UAV vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên. Mặc dù được tiến hành vào ngày 28.4, nhưng đến ngày 26.5, cuộc thử nghiệm mới được công bố rộng rãi. Đây là một phần dự án của AUKUS nhằm đẩy nhanh sự hiệp đồng phát triển công nghệ then chốt như AI và áp dụng chúng vào lĩnh vực quân sự.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, cuộc thử nghiệm cho phép các đối tác AUKUS hợp tác để thúc đẩy sự hiểu biết chung về AI nhằm đảm bảo an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Úc có thể bù đắp chi phí trên bằng cách cho Mỹ và Anh thuê thêm căn cứ. Tuy nhiên, hải quân Mỹ lại vừa đề xuất cải tiến khác đối với SSN lớp Virginia, trong đó tối ưu hóa các hoạt động phá hoại dưới đáy biển đối với cơ sở hạ tầng như cáp ngầm, và giảm vai trò tấn công – yếu tố mà Úc muốn có.
Ngoài ra, chính Úc cũng đang gặp vấn đề về nhân lực. Theo tạp chí The Strategist, trừ khi Úc có thể phát triển lực lượng chuyên gia trình độ cao, nếu không nước này sẽ khó đạt khả năng phòng thủ tiên tiến được nêu trong thỏa thuận của hiệp ước AUKUS (Mỹ-Anh-Úc). Theo đó, để hỗ trợ AUKUS và duy trì thế mạnh về công nghệ tiên tiến, Úc cần khuyến khích và giữ chân nhân tài giữa lúc cơn khát nhân lực đang diễn ra trên toàn cầu.