SGGPO
Từ 60-80% lực lượng ứng viên vừa tốt nghiệp đều phải đào tạo lại mới có thể thích ứng với công việc; trong đó thái độ làm việc, trình độ ngoại ngữ… là những kỹ năng “non” nhất của ứng viên.
Ngày 28-10, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp”. Tại đây, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, TPHCM nói riêng Việt Nam nói chung đang thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Hướng dẫn viên Vietravel đang dẫn đoàn khách tham quan Đài Loan (Trung Quốc) |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, du lịch trở thành “chìa khóa” thúc đẩy phát kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Trong đó, TPHCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước, có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch.
Tuy vậy, bà Lê Chi Lan thừa nhận rằng, ngành du lịch đang chịu nhiều tác động của khu vực và thế giới. TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đang thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nên rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp ngành.
Các đại biểu tham dự hội thảo 28-10 |
Chia sẻ riêng với PV Báo SGGP bên lề hội thảo, một số doanh nghiệp du lịch ở TPHCM thừa nhận, từ 60-80% lực lượng ứng viên vừa tốt nghiệp đều phải đào tạo lại mới có thể thích ứng với công việc, thậm chí có doanh nghiệp đào tạo lại tới 90%; trong đó thái độ làm việc, trình độ ngoại ngữ… là những kỹ năng “non” nhất của ứng viên.
Cùng chung nhận xét nêu trên, GS.TS Trương Quang Vinh, công tác tại Trường Đại học Kinh tế – Công nghiệp Long An nêu dẫn chứng, trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2019, có hơn 2,5 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Trong đó, có khoảng 860.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo… Sau dịch Covid-19, con số lao động này sụt giảm đáng kể, nên cần được bổ sung gấp nhằm đáp ứng tình hình thực tế.
Thế nhưng, nghịch lý nguồn nhân lực du lịch do cơ sở đào tạo cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và kỹ năng.
“Người có kinh nghiệm và thành thạo chuyên môn thì chưa được đào tạo, còn người được đào tạo đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ lại chưa có khả năng làm việc ngay và cần tái đào tạo ở các doanh nghiệp”, GS.TS Trương Quang Vinh cho hay.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, ông Trương Quang Vinh hiến kế xây dựng mô hình đào tạo nguồn nhân lực dựa trên năng lực và nhu cầu của thị trường du lịch.
Trong đó, cơ sở đào tạo đóng vai trò phối hợp, chịu trách nhiệm tham gia tổ chức, quản lý sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường du lịch đưa vào ứng dụng giảng dạy…
Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch được xem là điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của hai bên (cơ sở đào tạo – doanh nghiệp du lịch). Đối với sinh viên, cần chủ động nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ ứng xử thực tiễn…