Mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 nhân sự nhưng số lượng sinh viên được đào tạo mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng một nửa, trong đó chỉ 43% được đào tạo chuyên nghiệp. Trong xu hướng phát triển mới của ngành du lịch, yêu cầu với nhân lực lĩnh vực này ngày càng cao.
Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: Khối ngành du lịch - dịch vụ" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 18.2. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
CÁC TRƯỜNG ĐH KHÔNG CÒN XÉT TUYỂN SỚM
Trong chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, nêu những điều chỉnh dự kiến trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay. Thứ nhất, các trường sử dụng phương thức xét học bạ phải sử dụng kết quả cả năm lớp 12 (các năm trước nhiều trường ĐH không cần sử dụng điểm học kỳ 2 năm lớp 12 khi xét học bạ). Vì vậy, thí sinh (TS) cần nỗ lực học tập tốt nhất cả năm lớp 12 để có kết quả xét tuyển tốt nhất.
Các giảng viên tham gia tư vấn, cho thí sinh những lời khuyên khi lựa chọn học khối ngành du lịch - dịch vụ
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Hải, các trường ĐH dù sử dụng nhiều phương thức xét tuyển (dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi riêng, điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế…) đều thực hiện xét tuyển trong đợt chung. Vì vậy, năm nay không còn giai đoạn xét tuyển sớm trước kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Các trường có quyền dùng nhiều phương thức nhưng điểm quy đổi tất cả các phương thức phải quy về một công thức điểm.
Ngoài ra, tiến sĩ Hải cũng lưu ý một số điều chỉnh tác động trực tiếp tới việc tham gia xét tuyển của TS năm nay như: không giới hạn số lượng tổ hợp môn tối đa cho mỗi ngành; điểm cộng ưu tiên không vượt quá 10% điểm xét tuyển (không gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT); ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành sư phạm và sức khỏe năm nay vẫn giữ nguyên như các năm trước; Bộ GD-ĐT cho phép các trường sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển nhưng mỗi trường có cách quy đổi riêng…
Nhận định về các điểm mới này, tiến sĩ Hải cho rằng: "Các điều chỉnh chủ yếu mang tính kỹ thuật, không thay đổi quá lớn so với các năm trước. Tuy nhiên, với những điểm mới dự kiến của quy chế, phương thức tuyển sinh các trường ĐH sẽ có những thay đổi. Việc điều chỉnh lịch trình xét tuyển các trường ĐH cũng ít nhiều tác động tới tâm lý TS khi không còn việc trúng tuyển có điều kiện trước kỳ thi tốt nghiệp như các năm trước. Hơn nữa, dự đoán tính cạnh tranh giữa các TS khi tham gia xét tuyển năm nay cũng lớn hơn khi không còn chỉ tiêu từng phương thức và có công thức quy đổi điểm chung giữa các phương thức".
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: "Những thay đổi dự kiến của quy chế tuyển sinh sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn giữa các TS khi không còn xét tuyển sớm và các phương thức được quy đổi theo một công thức chung. Việc học sinh chỉ cần làm là tập trung vào học tập đạt kết quả cao chương trình lớp 12, ôn tập tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo dõi thông tin tuyển sinh mới nhất từ Bộ GD-ĐT và các trường ĐH".
Trước dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH cho biết sẽ không còn xét tuyển sớm. Thạc sĩ Nguyễn Vương Hoài Thảo, Phó trưởng khoa Quản trị du lịch - khách sạn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin: "Trường không nhận hồ sơ xét tuyển sớm nhưng vẫn sử dụng 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực và điểm học bạ".
Tương tự, thạc sĩ Trương Quang Trị cho biết trường không còn xét tuyển sớm và sử dụng 4 phương thức: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng và xét điểm các kỳ thi riêng do trường ĐH tổ chức. Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng cho hay, theo tinh thần của dự thảo quy chế tuyển sinh, ĐH Duy Tân không xét tuyển sớm và chỉ xét tuyển chung đợt cho các phương thức gồm: xét học bạ, xét điểm các kỳ thi riêng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng.
Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ HỒNG MINH (Trưởng khoa Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng Trường ĐH Hoa Sen)
XU HƯỚNG DU LỊCH MỚI ĐÒI HỎI NGƯỜI HỌC NHỮNG GÌ ?
Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 nhân sự. Nhưng, trong thực tế số lượng sinh viên được đào tạo mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng một nửa và trong đó chỉ 43% được đào tạo chuyên nghiệp. "Cùng với số lượng, nhu cầu nhân lực ngày càng có chất lượng cao hơn đang là yêu cầu của xã hội với các cơ sở đào tạo hiện nay", tiến sĩ Dương nói thêm.
Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho hay: "Cùng với dịch vụ, các ngành du lịch cũng có xu hướng phát triển mới. Du lịch phát triển theo 3 xu hướng: gia tăng cá nhân hóa du lịch trải nghiệm, ứng dụng công nghệ để nâng cao tiện ích và trải nghiệm mới lạ cho du khách, chú trọng nhiều hơn về trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ môi trường và các yếu tố văn hóa".
Học sinh lớp 12 tìm hiểu về các ngành dịch vụ trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên diễn ra tại Đồng Nai cuối tuần qua
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển mới của lĩnh vực du lịch và dịch vụ cũng đặt ra những yêu cầu mới với nguồn nhân lực. Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương cho rằng, việc có kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng ngoại ngữ tốt và công nghệ thông tin tốt thì cơ hội việc làm rộng mở, với mức thu nhập tối thiểu có thể khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dương, người làm trong lĩnh vực này đòi hỏi phải cập nhật liên tục các xu hướng du lịch mới, nâng cao năng lực và kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Du lịch là dịch vụ nên kỹ năng giao tiếp rất quan trọng, đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt. Tiến sĩ Dương đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin là yếu tố để thành công với người làm du lịch.
Thạc sĩ Nguyễn Vương Hoài Thảo cũng cho rằng mỗi ngành nghề đều có 2 mặt thuận lợi và khó khăn. Học ngành du lịch, sinh viên sẽ có cơ hội công việc phong phú; môi trường làm việc năng động, không nhàm chán; thu nhập hấp dẫn và cơ hội thăng tiến tốt.
Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh cũng cho rằng mức tăng trưởng của ngành du lịch trong đầu năm nay cho thấy rõ cơ hội cho người học ngành này. Theo tiến sĩ Minh, công việc này sẽ là cơ hội để tiếp xúc nhiều người, nhiều nền văn hóa; cơ hội phát triển kỹ năng mềm. Nhưng bên cạnh đó, những khó khăn tiềm ẩn là tính mùa vụ cao, dễ có sự biến động việc làm; áp lực công việc cao và sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, từ trải nghiệm bản thân, tiến sĩ Minh khẳng định: "Quan trọng nhất là đam mê, có đam mê sẽ giúp chúng ta đi đến tận cùng đam mê dù trên đường đi có những khó khăn, trở ngại".
Thạc sĩ Trương Quang Trị nhấn mạnh thêm: "Nếu có đủ sự đam mê yêu thích, kết hợp với những kiến thức và kỹ năng được trang bị - đặc biệt kỹ năng ngoại ngữ, người học du lịch sẽ thành công với nghề".
Những yếu tố thách thức với nhân lực ngành du lịch - dịch vụ
Thạc sĩ Tăng Thông Nhân, Phó trưởng khoa Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng: "Ngành du lịch đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Ngày nay với sự thay đổi công nghệ, cùng với việc giảm bớt nhiều thủ tục hành chính, giảm công sức con người nhưng đi kèm với đó các bạn phải thường xuyên cập nhật bản thân. Nếu chỉ lơ là một chút công nghệ sẽ "vượt mặt" ngay". Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Nhân, biến đổi khí hậu, biến động chính trị cũng là những thách thức khách quan có thể gây biến động tới công việc lĩnh vực này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-hoi-viec-lam-nganh-du-lich-dich-vu-trong-xu-the-moi-185250218200818701.htm
Bình luận (0)