Nhiều tác phẩm bán không cao như kỳ vọng
Đáng chú ý có bức Tâm sự (Confidence) được Lê Phổ vẽ khoảng năm 1941 – 1942 bằng mực và bột màu trên lụa. Đây là tác phẩm Đông Dương duy nhất được xếp vào phiên tối 11.11 dành cho các lô giá trị cao.
Bức tranh vẽ hai cô gái choàng khăn lụa, đeo vòng ngọc xanh, mặc áo dài Le Mur với hai màu tương phản đỏ – đen, đang bóc thư và tâm tình với nhau bên chiếc gối tựa theo kiểu cung đình. Mô típ hai chị em gái rất thường thấy trong những bức tranh lụa xuất sắc nhất của Lê Phổ, như Hòa sắc xanh: hai chị em (Harmony in Green: The Two Sisters) đang bày tại gian cố định của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore.
Bức Tâm sự được triển lãm tại Galerie Romanet, Paris (Pháp), vào thập niên 1940, đi kèm với giấy chứng nhận của con trai họa sĩ – Alain Le Kim – và được định giá dự kiến 650.000 – 900.000 USD (khoảng 16,2 – 22,5 tỉ đồng). Tác phẩm được gõ búa giá 624.000 USD (15,6 tỉ đồng).
Các tác phẩm Đông Dương nổi bật khác trong phiên đấu giá bao gồm: Thiếu nữ cho chim ăn (Jeune Fille aux Oiseaux) cũng của Lê Phổ giá ước tính 230.000 – 385.000 USD (5,75 – 9,62 tỉ đồng) bán giá 280.000 USD (7 tỉ đồng). Bức Chị dạy em học (Deux Enfants à la Lecture) do Mai Trung Thứ vẽ năm 1941 giá ước tính 128.000 – 256.000 USD (3,2 – 6,4 tỉ đồng) bán giá sau cùng 156.000 USD (3,9 tỉ đồng).
Tuy nhiên không phải tác phẩm nào cũng bán thấp hơn giá trần dự kiến. Lê Phổ còn có bức Mùa hè (L’Été) giá dự kiến 45.000 – 70.000 USD (1,12 – 1,75 tỉ đồng) bán giá 100.000 USD (2,5 tỉ đồng). Bức Mẹ và con (Maternité) của Vũ Cao Đàm giá ước tính 51.000 – 77.000 USD (1,27 – 1,92 tỉ đồng) có giá sau cùng 128.000 USD (3,2 tỉ đồng)…
Sức hút của tranh Đông Dương vẫn rất ổn định
Giám đốc điều hành của Sotheby’s Vietnam kiêm giám tuyển Ace Lê nhận định: “Phiên Sotheby’s ngày 11 và 12.11 giới thiệu 13 tranh Việt, bán được 12 bức, tức tỷ lệ gõ búa chiếm 92%. Đây là một con số tương đối cao so với các thể loại tranh khác trong khu vực và cũng nhất quán với tỷ lệ trong quá khứ bán tranh của Sotheby’s, chứng tỏ sức hút vẫn rất ổn định của tranh Đông Dương.
Trong số các lô tranh Việt được gõ búa trong phiên có 30% vẫn vượt giá high estimate (giá trần ước tính). Như vậy khoảng giá ước tính của Sotheby’s là tương đối chính xác so với giá thị trường định đoạt. Nếu chúng ta có thấy giá gõ búa của một bức tranh Lê Phổ với cùng giai đoạn, kích cỡ và chất liệu có giảm đi so với cách đây 2 – 3 năm, thì tôi cho rằng đây là khoảng lặng cần thiết để lọc thị trường khỏi những giao dịch mang tính thời khắc và xu hướng. Rất nhiều nhà sưu tập/nhà đầu tư nghệ thuật khôn ngoan đang chọn khoảng lặng này để mở hầu bao và mua những tác phẩm tốt với giá tốt”.
Theo anh Ace Lê, thị trường nghệ thuật cao cấp thuộc phân khúc xa xỉ phẩm, liên quan mật thiết tới các khách hàng giàu có. Sau những biến động lớn về kinh tế trong nước và quốc tế trong 2 năm hậu Covid-19 vừa qua, có lẽ phải từ năm 2025 trở đi, thị trường tranh Việt mới bắt đầu hồi phục.
Nhóm danh họa Đông Dương sẽ vẫn nằm trong nhóm tạo kỷ lục giá. Nhưng 10 – 20 năm nữa, khi đã có đủ khoảng lùi, việc xuất hiện những tên tuổi mới là xu thế tất nhiên. Có rất nhiều danh họa quan trọng không kém lứa Phổ – Thứ – Lựu – Đàm nhưng chưa nhận được chú ý xứng đáng, và tranh của họ sẽ dần dần lộ diện trong thời gian tới. Có thể kể đến nhóm họa sĩ Pháp tới Đông Dương, hay nhóm họa sĩ Trường vẽ Gia Định, vốn được thành lập trước cả Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngoài Bắc.
Trong khi đó giám tuyển Lý Đợi cho rằng tranh Đông Dương chịu sự chi phối của bối cảnh trong nước nên việc giá thấp hay cao đôi khi phải nhìn bao quát hơn mới phản ánh đúng. Nếu nhìn lại kể từ năm 2010, thì tranh Đông Dương vẫn tăng giá chóng mặt. Thời điểm ấy, những bức có giá chừng 100.000 – 200.000 USD (2,5 – 5 tỉ đồng) còn khá ít, giờ thì quá phổ biến tranh nửa triệu USD, thậm chí nhiều tranh vượt ngưỡng 1 triệu USD. Cũng theo giám tuyển Lý Đợi, trong tương lai không xa, chừng 3 – 5 năm nữa, những bức tranh Việt 5 – 7 triệu USD sẽ xuất hiện.
“Vừa rồi tranh Đông Dương bán thấp hơn giá trần ước tính, có thể vì 2 lý do chính. Thứ nhất, không phải bức nào cũng có giá cao, vì chỉ có chừng 10% số tác phẩm của mỗi họa sĩ hoặc của cả nền mỹ thuật sẽ có giá cao, 30% giá trung bình khá, còn lại trung bình và thấp. Nếu bức tranh lên sàn đấu giá mà không thuộc 10% ở top cao, thì khó mà bán cao cho được.
Thứ hai, câu “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” đúng với cả tranh Đông Dương, khi mà hiện nay, việc quyết định giá bán ở các phiên đấu giá quốc tế có bóng dáng, vai trò rất quan trọng của người Việt. Những thay đổi về kinh tế chẳng hạn trong nước đều có tác động đến họ. Muốn đấu giá thành công cần ít nhất 3 – 4 người cùng đấu một tác phẩm thì giá mới lên cao được, chỉ cần vắng 1 – 2 người là có thể bán thấp hơn giá ước tính. Các nhà sưu tập VN chỉ số ít lộ diện, đa phần là ẩn danh vì nhiều lý do, trong đó có cả sự nhạy cảm cá nhân”, ông Lý Đợi nhận xét.
Ngày 26.11.2024, Vente Prestige Hôtel Drouot (Pháp) đã diễn ra phiên đấu giá nghệ thuật đặc biệt, thu hút sự chú ý với 3 tác phẩm nổi bật từ 2 họa sĩ danh tiếng là Lê Phổ và Mai Trung Thứ, được bán cao hơn giá trần dự kiến. Bức Hai người phụ nữ của Lê Phổ, kích thước: 47 x 31,5 cm, giá gõ búa 190.000 euro (200.000 USD), giá sau thuế 259.000 USD (6,4 tỉ đồng); Mẹ và con của Mai Trung Thứ, kích thước: 27×18 cm, giá sau thuế: 70.000 USD (1,75 tỉ đồng); Bức Áo dài xanh của Mai Trung Thứ, kích thước: 29,8 x 17,7 cm, giá sau thuế: 65.500 USD (1,63 tỉ đồng).
Nguồn: https://thanhnien.vn/thi-truong-tranh-dong-duong-con-hap-dan-185241208222531911.htm