Đơn hàng sụt giảm, thị trường khó khăn
Gia công giày thể thao cho một nhãn hiệu nổi tiếng, đại diện Công ty CP Giày Thiên Lộc (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nếu trước đây mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất 300.000 đôi giày thì hiện nay chỉ còn 187.000 đôi/tháng. Sản phẩm giảm 40% do đối tác giảm đơn hàng. Dự báo sang tháng 6, tháng 7, tình hình có thể còn xấu hơn.
Những tháng đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp ngành da giày phải cắt giảm lao động. Mới đây, tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn là 5.744 lao động. Trước đó, trong tháng 2/2023, công ty này cũng chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người. Số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, luân phiên kéo dài từ cuối năm ngoái do một nhãn hàng giày rút đơn hàng.
Không chỉ riêng PouYuen gặp khó, phải cắt giảm lao động, mà tình trạng này còn diễn ra với không ít doanh nghiệp ngành da giày vì đơn hàng giảm. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cũng phải cắt giảm, tái cơ cấu, nhẹ thì giảm giờ làm, ngày làm, còn nặng hơn là cắt giảm lao động trực tiếp.
Thị trường xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp da giày tìm hướng đi mới |
Thực tế, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu da giày tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn. Lạm phát tăng cao ở các nước châu Âu, Mỹ, tổng cầu giảm khiến các đơn hàng sụt giảm. Số liệu của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho thấy, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp ngành da giày đang trong tình trạng “lên bờ xuống ruộng” vì không có đơn hàng xuất khẩu. Hiện nay đơn hàng xuất khẩu giảm tới 60-70%. Theo ông Khánh, nếu như nhiều năm trước, giai đoạn này doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 9, song hiện nay hầu như không có. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí một số nơi đã đóng cửa nhưng không công bố.
“Trước đây, chúng tôi dự đoán đến hết quý 2/2023, đơn hàng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, mới đây nhiều ‘đại gia’ ngành da giày đã rút đi nên không thể đoán định đơn hàng lúc này”, ông Nguyễn Văn Khánh cho hay.
Doanh nghiệp tìm cách thích ứng
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp da giày đang nỗ lực tìm hướng đi mới. Bà Vưu Lệ Quyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) cho biết, để vượt qua khó khăn, hiện doanh nghiệp đang tập trung vào phân khúc giới trẻ, mở rộng thêm các kênh phân phối ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, công ty cũng nỗ lực để hướng tới phát triển bền vững với việc nghiên cứu, tái chế các vật tư dư thừa, góp phần xanh hóa sản xuất. Biti’s cũng chủ động tìm thêm đối tác cung ứng nguyên liệu và mở rộng đầu ra để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Với Công ty CP Nam Bình Minh, thay đổi cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường cũng là giải pháp mà công ty đang hướng tới để vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, bên cạnh chăm chút cho sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng ở phân khúc trung bình, doanh nghiệp đang tính toán để mở thêm một công ty con chuyên sản xuất, cung cấp các loại khuôn mẫu, khuôn đế cho ngành giày dép.
Dự báo về tình hình thị trường những tháng tiếp theo, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa.
Dự báo tình hình thị trường xuất khẩu trong những tháng tới, bà Xuân nhận định: “Khó khăn còn kéo dài đến hết quý II. Có thể, từ quý III, thị trường mới dần hồi phục”.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng trở lại này cũng chỉ ở mức tốt hơn so với quý I và II/2023, rất khó để đạt được mức tăng trưởng như những năm trước. Theo đó, ngành da giày khó đạt được kế hoạch đề ra từ đầu năm.
“Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường. Chủ doanh nghiệp phải đi nhiều hơn, tham gia các hội chợ để tìm đơn hàng, tìm đối tác, không phải ở châu Âu nữa mà chuyển hướng sang châu Á, thậm chí cả châu Phi. Chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ” để giải quyết khó khăn lúc này”, ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh nói.