Dù muốn xét tuyển nhiều tổ hợp đại học bằng điểm tốt nghiệp, thí sinh cũng không được phép thi quá 2 môn lựa chọn, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chiều 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) tốt nghiệp THPT nên kỳ thi phải thay đổi.
Theo đó, kỳ thi sẽ gồm hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh thi thêm hai môn lựa chọn từ các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, tất cả môn thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Trước thay đổi này, có ý kiến thắc mắc liệu thí sinh có thể thi hơn hai môn tự chọn để xét tuyển nhiều tổ hợp đại học không.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại không cho phép thí sinh thi hơn hai môn lựa chọn. Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Ông cũng nhìn nhận số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí.
Còn về xét tuyển đại học, việc thí sinh lựa chọn nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể gây mất công bằng.
“Trước mắt, thí sinh vẫn chỉ được thi hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực”, ông Hà nói.
Về đề thi, ông Hà cho biết Bộ đang nghiên cứu cấu trúc, định dạng, ngân hàng đề thi, tích cực tổ chức hội thảo, mời chuyên gia góp ý. Quan điểm chung là đề thi phải đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, đặc biệt phù hợp với lứa học sinh đầu tiên, mới có 3 năm học theo chương trình mới.
Ngoài ra, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ cân đối giữa các môn, tránh được độ lệch điểm lớn giữa một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Bộ sẽ công bố đề mô phỏng sớm, nội dung có thể lấy từ chương trình lớp 10, 11 nhưng vẫn giúp giáo viên, học sinh hình dung được cấu trúc, hàm lượng kiến thức, các năng lực cần đạt.
“Việc này sẽ được thực hiện trong quý IV”, ông Hà nói, thêm rằng với riêng môn Toán, Bộ đang phát triển một số định dạng trắc nghiệm mới nhằm khắc phục những hạn chế trong không gian tư duy của học sinh. Đề thi môn Toán có thể không hoàn toàn là các câu trắc nghiệm chọn một trong bốn phương án nữa. Việc này sẽ được bàn luận kỹ trước khi quyết định.
Với những học sinh trượt tốt nghiệp năm 2024, ông Hà cho biết, Bộ tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp riêng, đảm bảo đúng nội dung và phương thức theo chương trình mà các em học.
“Học sinh yên tâm là không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018”, ông Hà nói.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh nguyên tắc “bất di bất dịch” là lấy học sinh làm trung tâm. Theo ông, số thí sinh trượt tốt nghiệp thường không nhiều, nên việc tổ chức riêng một kỳ thi riêng cũng không quá tốn kém. Năm 2023, trong hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp, chỉ hơn 1% em trượt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn tương tự cách đây hơn 45 năm. Giai đoạn 1976-1980, kỳ thi này cũng gồm 4 môn nhưng theo hình thức tự luận. Trong đó Toán, Văn là hai môn bắt buộc, hai môn còn lại phải theo tổ hợp, gồm Lý, Hóa hoặc Hóa, Sinh; Sử, Địa; Sử, Ngoại ngữ.
Còn tính riêng trong 10 năm (2015-2025), kỳ thi có ba lần thay đổi lớn. Năm 2015, kỳ thi gộp giữa thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng (kỳ thi hai trong một). Từ năm 2020, với Luật Giáo dục sửa đổi, kỳ thi có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, giảm độ khó, không còn bắt buộc dùng để xét tuyển đại học.