Bộ Y tế đang triển khai đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp tại 9 tỉnh thành, trước bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho các hoạt động này bị cắt giảm.
Theo đó, đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp đang được Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm tại 9 tỉnh, gồm: Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên. Sau đó, Bộ Y tế sẽ tổng kết, tiến tới có thể thực hiện mua sắm với các tổ chức xã hội bằng nguồn ngân sách trong nước.
Ngày 31/8, bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết trước đây, hoạt động của các tổ chức xã hội (hay các nhóm dựa vào cộng đồng) phần lớn nhờ vào ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2014, các tổ chức đã cắt giảm tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta, tiến tới chấm dứt hỗ trợ. Vì vậy, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước để duy trì, nhân rộng và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tiếp tục cung cấp dịch vụ phòng chống dịch thông qua hình thức mua sắm dịch vụ phòng, chống dịch do các tổ chức xã hội cung cấp (gọi tắt là hợp đồng xã hội).
Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là một bản hợp đồng có tính ràng buộc về pháp lý giữa đại diện một đơn vị của nhà nước (bên A) và đơn vị ngoài nhà nước – là tổ chức xã hội (bên B), qua đó bên A trả tiền để bên B cung cấp các dịch vụ được yêu cầu với chi phí theo thỏa thuận.
“Tổ chức xã hội là nhóm khó có thể thay thế trong việc tìm, phát hiện ca nhiễm mới và can thiệp dự phòng HIV trong bối cảnh dịch vẫn chưa được khống chế như hiện nay”, ông Sơn nói, thêm rằng các tổ chức dựa vào cộng đồng có vai trò rất tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Theo ước tính, các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Ông Sơn phân tích các tổ chức xã hội có nhiều lợi thế so với hệ thống y tế trong việc tiếp cận và cung cấp một số các dịch vụ phòng, chống dịch. Bởi, các tổ chức cộng đồng thường là người trong cuộc, hiểu về nhóm của mình nên dễ tiếp cận để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ. Họ có thể đến tận cộng đồng gặp đối tượng đích để cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su hay xét nghiệm.
Một số dịch vụ HIV mà các tổ chức xã hội cung cấp thông qua hình thức hợp đồng xã hội bao gồm: Cấp phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn phòng lây nhiễm HIV; giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone).
Họ cũng tiếp cận, truyền thông, tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; kết nối người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng.
Hiện, có nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Mexico, Barbados, Cộng hòa Dominica… Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nếu không có nguồn lực trong nước, các tổ chức xã hội sẽ không thể tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ thiết yếu.
“Nếu không tiếp tục sử dụng các tổ chức xã hội, chúng ta sẽ lãng phí một nguồn nhân lực có kinh nghiệm và Việt Nam sẽ không thể tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030”, ông Sơn nói.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai toàn diện các can thiệp phòng chống dịch, từng bước kiểm soát HIV trên cả 3 tiêu chí gồm: số người nhiễm mới HIV được phát hiện giảm; số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số tử vong liên quan đến AIDS giảm. Thống kê cho thấy, ước tính trong 20 năm qua, cả nước đã dự phòng cho khoảng 900.000 người không bị nhiễm HIV và 250.000 người không bị tử vong do AIDS.
Lê Nga