Đối với kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện tổng hợp được 924 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện sẽ theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời đúng thời hạn.
Trong khi đó, về công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 592 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 597 vụ việc và có 31 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 73 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 508 vụ việc.
Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và xử lý được 4.829 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến; trong đó có 951 đơn đủ điều kiện xử lý, 3.878 đơn không đủ điều kiện xử lý đã thực hiện lưu đơn theo quy định. Qua nghiên cứu 951 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 585 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 157 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 77 đơn, tiếp tục xếp lưu 132 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và nhận được 271 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát đối với 9 vụ việc.
Liên quan đến 8 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của các địa phương tại TP Hà Nội và TPHCM, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, Tiền Giang và Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với những vụ việc đã được rà soát, rà soát nhiều lần thì đề nghị phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương tuyên truyền, vận động công dân chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Về 5 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự tại 4 địa phương, đề nghị chỉ đạo UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh Hưng Yên, Lâm Đồng và Nghệ An chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở Trung ương tổ chức tiếp, đối thoại tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thụ lý, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền); tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ. Thông tin, kết quả giải quyết đề nghị khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến trách nhiệm tiếp nhận, xác minh trả lời lời kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng Công an, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Bộ Công an đã tiếp nhận, trả lời 100%, không có kiến nghị quá hạn. Bộ Công an đã trả lời 72/72 kiến nghị, yêu cầu của cử tri gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập hợp theo đúng quy định của pháp luật. Các vụ việc đều được xác minh, trả lời rất rõ, đi thẳng vào vấn đề, yêu cầu.
Ông Trương Xuân Cừ – ĐBQH Đoàn Hà Nội cho hay, trên thực tế khó có thể giải quyết tất cả các kiến nghị của cử tri; tuy nhiên những vụ việc rõ ràng, cụ thể, đúng thì phải đôn đốc các bộ, ngành xử lý ngay. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đưa ra dẫn chứng, ông Cừ cho biết, ngay Hà Nội có nhiều vụ việc đã được giải quyết, có kết luận của các cấp có thẩm quyền, thậm chí phán quyết của Toà án nhưng người dân vẫn tiếp tục kiến nghị. Có nhiều vụ việc có văn bản giải quyết của Hà Nội rằng “vấn đề được giải quyết, xử lý đúng theo các quy định của pháp luật” nhưng người dân vẫn đến kiến nghị. Do đó, ông Cừ kiến nghị phải đôn đốc các cơ quan giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Còn những vấn đề đã được giải quyết rồi cần tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện để tránh khiếu kiện, tụ tập tập trung đông người.
Ông Lê Như Tiến, ĐBQH khoá XIII cũng cho rằng, trong các quy định của pháp luật đều đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong tiếp nhận các kiến nghị mà cử tri, người dân gửi đến. Do đó cần đôn đốc, theo dõi và thông tin lại đối với người dân về quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo phần chế tài về sự chậm trễ trong giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Liên quan đến việc đối với những đơn thư đã được giải quyết song vẫn tiếp tục kiến nghị yêu cầu giải quyết, ông Tiến nêu quan điểm rằng, có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo đã được giải quyết ở cấp có thẩm quyền nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng và thoả mãn, khiếu nại lên cấp cao hơn. Trong trường hợp này, cấp giải quyết phải mời người dân đến để giải thích rằng đã giải quyết hết thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
“Ví dụ theo quy định thì Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết việc này, nếu có lên trung ương thì cũng gửi đơn trở lại yêu cầu cấp tỉnh phải giải quyết. Như vậy phải bám sát để trả lời công dân, tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh khiếu nại vượt cấp gây rắc rối thêm cho các cơ quan trung ương, an ninh trật tự. Nếu chưa hiểu thì giải thích nhiều lần người dân sẽ hiểu ra và hạn chế việc khiếu nại tố cáo vượt cấp kéo dài” – ông Tiến bày tỏ.