Giải pháp hòa bình mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ ảnh hưởng đến các bên tham chiến trong xung đột Ukraine, mà còn tạo ra bước ngoặt mới cho nhiều bên.
Hôm qua 14.2, đại diện Ukraine tuyên bố nước này sẽ không cử đại diện tham gia đàm phán ba bên với Mỹ và Nga bên lề hội nghị An ninh Munich đang diễn ra tại Munich (Đức) từ ngày 14 - 16.2. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra đề xuất trên như một bước trong lộ trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine.
Tình thế Ukraine
Ngày 13.2, Mỹ tiết lộ về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Putin quanh giải pháp hòa bình cho Ukraine. Giải pháp được tiết lộ là dựa trên "đánh giá thực tế về chiến trường" và việc giành lại lãnh thổ Ukraine như trước năm 2014, trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, là "mục tiêu ảo tưởng". Không những vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gửi thông điệp sẽ không kết nạp Ukraine vào NATO.
Giải pháp trên đã bị châu Âu phản ứng mạnh mẽ, nhất là khi các thành viên cựu lục địa cho rằng đã bị "loại khỏi cuộc chơi" trong quá trình đàm phán. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi đề nghị hòa bình của Mỹ đối với Nga là "vụng về". Còn Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo Nga chỉ "hòa bình giả tạo". Bà Baerbock cho biết không nên đạt được thỏa thuận nào với Nga mà bỏ qua ý kiến của người Ukraine và châu Âu.
Phó tổng thống Mỹ JD Vance (phải) và Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Munich (Đức) vào ngày 14.2
Ở góc nhìn của giới quan sát, ông Tony Maciulis, chuyên gia tại Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, cho rằng cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin về Ukraine, mà cả các nhà lãnh đạo Kyiv và châu Âu đều không được thông báo trước, đã làm dấy lên lo ngại rằng "châu Âu đang bị loại khỏi bất kỳ cuộc đàm phán nào về an ninh hoặc hòa bình sẽ như thế nào trong tương lai gần".
Tuy nhiên, Washington dường như cũng đang gây áp lực với cả Moscow. Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal ngày 13.2, Phó tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng các biện pháp cấm vận, thậm chí phương án quân sự, để buộc Moscow hòa đàm với Kyiv.
Tập trung nhiều hơn vào châu Á - Thái Bình Dương ?
Trả lời Thanh Niên ngày 14.2, chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster (đang giảng dạy về quan hệ quốc tế, lịch sử tại Đại học Hawaii - Thái Bình Dương) nhận xét: "Tôi nghĩ cả Nga và Ukraine đều đang tiến gần đến hồi kết về mặt ý chí chính trị. Dư luận Mỹ có phần thất vọng với các đồng minh châu Âu. Bởi châu Âu có nhiều nguồn lực tài chính để hỗ trợ Ukraine, nhưng lại chọn cách cung cấp ít hỗ trợ hơn, tin tưởng rằng Mỹ sẽ luôn can thiệp và lấp đầy khoảng trống".
"Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump có vẻ nhận thấy phần lớn các đồng minh của Washington đã hỗ trợ Mỹ rất ít ở Afghanistan và Iraq. Ngoài ra, nội các và một bộ phận ngày càng nhiều của Quốc hội Mỹ đang lo lắng về Trung Quốc, nên muốn tập trung các nguồn lực an ninh vào châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là Washington sẽ hạn chế nguồn lực vào châu Âu. Châu Âu sẽ phải làm nhiều hơn cho an ninh - quốc phòng của cựu lục địa, bao gồm cả Ukraine. Dường như giới lãnh đạo Mỹ đương nhiệm muốn cắt giảm nguồn lực ở châu Âu để chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương. Tôi nghĩ đây là lời cảnh tỉnh mà Tây Âu lẽ ra phải nhận thấy trong nhiều năm", chuyên gia Schuster nhận định.
Về tình hình Ukraine, ông dự báo: "Chúng ta sẽ xem thêm! Nhiều khả năng sẽ vẫn cần rất nhiều cuộc mặc cả và đàm phán sắp tới".
Bước ngoặt mới cho NATO và châu Âu
Phát biểu tại hội nghị An ninh Munich (Đức) vào hôm qua 14.2, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh nước này "đã nhận được thông điệp". "Chi tiêu cho an ninh phải tiếp tục tăng. Lực lượng vũ trang của chúng ta phải trở nên mạnh mẽ hơn - không phải để tiến hành chiến tranh, mà để ngăn chặn chiến tranh", ông Steinmeier khẳng định.
Tổng thống Đức cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine cách đây gần 3 năm là một bước ngoặt, và NATO ngày nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa khác với những mối đe dọa tồn tại khi liên minh được thành lập hơn 70 năm trước.
"Mục tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP mà chúng ta đồng ý thì nay đã là quá khứ. Chúng ta phải tự hỏi đang nợ NATO điều gì, để trong 70 năm nữa khối này vẫn đủ sức bảo vệ tự do và an ninh", Tổng thống Đức nói thêm và cũng thừa nhận sự cần thiết phải cân bằng "chia sẻ gánh nặng giữa châu Âu và Mỹ". Ông cũng nhấn mạnh Đức sẽ "làm phần việc của mình".
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-cuoc-tu-van-bai-lat-ngua-cho-ukraine-185250214234101746.htm
Bình luận (0)