Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội dự chi 100 tỷ đồng để xây trường phổ thông dân tộc bán trú ở Mèo Vạc – huyện biên giới nghèo của tỉnh Hà Giang.
“Tặng trường cho một địa phương biên giới phía Bắc là ước nguyện từ lâu của tôi”, thầy Nguyễn Xuân Khang nói, chiều 20/2.
Trong kế hoạch được công bố hôm nay, thầy Khang cho biết trường mới có tên Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie – Mèo Vạc, nằm trên khu đất rộng 1,5 ha ở trung tâm thị trấn huyện. Dự kiến, trường được xây từ năm 2025, hoàn thành vào khoảng tháng 7/2026, nhằm kịp tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm học 2026-2027.
Ước tính, chi phí xây dựng khoảng 100 tỷ đồng, do hiệu trưởng Khang tài trợ. UBND huyện sẽ bố trí kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ việc ăn, ở bán trú của học sinh.
“Đây là lần đầu tiên huyện được một cá nhân tài trợ toàn bộ chi phí xây một trường học”, ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cho biết.
Theo ông Cường, huyện từng có kế hoạch xây thêm một trường bán trú do lượng học sinh tăng nhanh, song “chưa thể làm được” vì không có kinh phí. Do đó, ông Cường đánh giá dự án xây trường Marie Curie – Mèo Vạc rất ý nghĩa.
Thầy Khang kể mối lương duyên giữa trường Marie Curie và huyện Mèo Vạc bắt đầu vào năm 2021, từ đề án quốc gia trồng một tỷ cây xanh. Nhà trường đã trồng hai vạn cây Sa Mộc tại xã Khâu Vai của huyện này.
Năm 2022, trường Marie Curie dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh lớp 3, duy trì tới khi các em học xong tiểu học.
Cuối tháng 11/2023, nhằm giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh ở Mèo Vạc, thầy Khang chi 6-12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên địa phương đi học đại học ngành tiếng Anh. Mỗi tháng, một sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm. Hiện, 17 sinh viên tham gia dự án. UBND huyện sẽ tuyển thêm 13 người để đào tạo trong năm học tới.
Mèo Vạc là huyện biên giới có hơn 41 km giáp Trung Quốc, với dân số gần 100.000 người, thuộc 17 dân tộc. Đây cũng là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định của Thủ tướng.
Dương Tâm – Thanh Hằng