Anh Văn Tấn Hoàng Vỹ, quê Nha Trang, mở trường tư đạt chuẩn đầu tiên của người Việt ở Houston, sau khi giúp hàng trăm học sinh yếu, kém ở Mỹ vào đại học.
Thầy Vỹ, 38 tuổi, là hiệu trưởng của Van Houston Academy (VHA) ở thành phố Houston, bang Texas. Ngôi trường có 20 giáo viên và 200 học sinh từ mầm non đến lớp 12. Năm 2022, trường đạt chuẩn của tổ chức kiểm định giáo dục lớn nhất thế giới Cognia.
“Còn năm nay, trường lần đầu tiên được cấp phép tuyển du học sinh từ Việt Nam, với 20 em”, thầy Vỹ cho biết.
Thầy Vỹ nói mình đến với nghề giáo như một cơ duyên. Năm 2001, khi đang học lớp 10 chuyên Toán, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang, Khánh Hòa), anh nhận học bổng chương trình A-level của Ashbourne College London, sau đó trúng tuyển ngành Toán tại Imperial College London (Anh). Đây là ngôi trường nhiều lần trong top 10 thế giới ở các bảng xếp hạng đại học uy tín.
Vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh đầu tiên, Vỹ tham gia chương trình dạy kèm cho học sinh ở Hackney, khu vực nghèo nhất London, của các giáo sư trong trường. Nhiệm vụ của anh là trợ giảng nhưng vì thiếu người, anh được dạy chính.
Anh Vỹ thừa nhận ban đầu làm công việc này vì mức lương hấp dẫn. Trong khi làm phục vụ tại quán ăn chỉ được trả 5 bảng (hơn 150.000 đồng)/giờ, làm trợ giảng có mức lương cao gấp 5 lần.
“Tôi chưa từng nghĩ học Toán ra để làm giáo viên. Hồi đó, tôi ôm mộng làm việc trong ngân hàng đầu tư”, anh Vỹ kể.
Sau 1-2 ngày đầu bỡ ngỡ, Vỹ phấn chấn vì nhận ra mình có thể truyền đạt cho học sinh hiểu bài. Các mùa hè sau đó, anh tiếp tục đi dạy kèm và được nhiều học sinh quý mến. Điều này khiến Vỹ thêm tin tưởng vào năng lực dạy học của mình và quyết định đi theo nghề giáo.
Sau khi tốt nghiệp, Vỹ sang Mỹ thăm gia đình và biết tin trường trung học Sam Houston, bang Texas, tuyển giáo viên. Ngôi trường này từng 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức “không thể chấp nhận”, mức thấp nhất trên thang xếp hạng tín nhiệm 4 bậc. Học sinh ở đây đến từ các gia đình nghèo, không quan tâm tới học hành, mang thai sớm, nhiều em vướng vào các tệ nạn.
“Tôi muốn thử sức. Nếu là một giáo viên giỏi, tôi phải dạy và tiếp cận được tất cả học sinh, bất chấp trình độ, hoàn cảnh”, anh Vỹ nói.
Thế là vào một ngày cuối tháng 8/2008, khối 11 của trường Sam Houston có giáo viên dạy Toán mới. Thầy giáo trẻ được giao phụ trách 7 lớp 11 với gần 200 học sinh. Trong 80 học sinh nữ, 70% em có bầu hoặc đã có con. Nhiều em chưa thành thạo các phép tính cơ bản, không biết tam giác có mấy cạnh, vẽ đồ thị với hai trục X, Y, tính bán kính đường tròn hay giải phương trình bậc một, bậc hai.
Khảo sát xong, Vỹ bắt tay vào soạn bài giảng theo chương trình của bang. Ở từng dạng bài, anh phân tích những kỹ năng nào cần nhưng học sinh chưa có để dạy trước. Ví dụ, để giải phương trình bậc hai, các em phải biết căn, biết cộng trừ nhân chia phân số.
Nhiều học sinh vốn không thích đi học nên anh Vỹ nhìn nhận muốn thay đổi và giúp các em tiến bộ, anh phải chứng minh mình thực sự quan tâm tới chúng. Một tiết học có 55 phút, Vỹ chỉ dành 7-8 phút để giảng, còn lại đưa ví dụ và thực hành. Vỹ cũng ngồi với từng em để hỏi han hoàn cảnh gia đình, tình hình bạn trai, bạn gái.
Biết học trò thích chơi bóng rổ, hết giờ học, anh ở lại xem các em thi đấu. Cuối tuần, anh đi rửa ôtô cùng học sinh, dùng tiền kiếm được để đưa học trò đến tham quan các đại học danh tiếng. Vỹ cho rằng đây là cách để các em có hứng thú và nuôi dưỡng ước mơ vào đại học.
Cuối năm học đó, học sinh của Vỹ đã có thể nắm bắt kiến thức yêu cầu, giải được cả những phương trình bậc ba, bậc bốn. 100% học sinh do Vỹ kèm cặp vượt qua bài thi cuối cấp.
Sau bốn năm ở Sam Houston, Vỹ đã giúp gần 600 học sinh vào đại học. Đa số các em từng là học sinh yếu, kém.
Cũng trong thời gian này, anh học tiếp cao học và tốt nghiệp Đại học Stanford danh tiếng, chuyên ngành giáo án và huấn luyện giáo viên. Với kinh nghiệm làm việc và chuyên môn được đào tạo, anh Vỹ xin nghỉ ở Sam Houston để thực hiện ước mơ về một trường học Việt Nam ở Houston.
VHA ra đời năm 2016, ban đầu hoạt động với mô hình after school (dạy kèm sau giờ học và luyện thi SAT cuối tuần). Hai năm sau, anh mở rộng mô hình thành trường tư dạy cả ngày.
Theo anh Vỹ, để mở trường tư ở Mỹ, người đứng đầu phải có chứng chỉ hiệu trưởng. Trong thời gian đi dạy, anh đã học, thi và được tiểu bang cấp chứng chỉ này. Để có tiền vận hành trường, anh duy trì mô hình dạy kèm sau giờ học và dạy thêm SAT. Lúc mới mở, trường chỉ có ba giáo viên và 8 học sinh. Cuối năm đó, số học sinh tăng lên 20, một năm sau là 40.
“Đa số nhờ phụ huynh tin tưởng”, thầy giáo cho hay.
Theo quy định của Mỹ, các trường tư phải hoạt động ít nhất hai năm mới được xem xét cấp chứng nhận Cognia. Nếu không, bằng tốt nghiệp trung học ở trường không có giá trị. Năm chuyên gia giáo dục được cử tới trường, phỏng vấn giáo viên, học sinh, phụ huynh để chấm điểm và kiểm tra giáo án. Cuối cùng, trường vượt qua các cuộc thẩm định.
Tại đây, ngoài chương trình được xây dựng chi tiết ở từng bậc học, anh Vỹ còn mở một lớp học đặc biệt: Lớp tiếng Việt, dành cho học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp hai.
“Trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh, họ vui khi con mình có thể nói được tiếng mẹ đẻ”, anh Vỹ nói.
Johnny Nguyễn là một trong 6 học sinh đầu tiên của VHA tốt nghiệp THPT năm 2022, hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Y tá, Đại học St.Thomas. Học ở VHA từ lớp 8, nam sinh biết ơn các thầy cô vì đã tạo ra một không gian mở, an toàn, không phán xét để các em được là chính mình và không cảm thấy sợ đặt câu hỏi.
“Thầy cô luôn động viên và thúc đẩy em đi đúng hướng. Ở đây, ngoài kiến thức, em còn học được cách quản lý thời gian và các kỹ năng giao tiếp”, Johnny cho hay.
Chị Lily Nguyễn có hai con theo học VHA từ những ngày đầu, nói các con tiến bộ rõ ràng, học tốt hơn và biết giúp đỡ các bạn trong lớp.
“Hai con thích học ở đây vì thầy cô giảng bài tận tình, lại được học thêm các môn vẽ, thể dục dụng cụ. Tôi rất biết ơn thầy Vỹ”, chị Lily chia sẻ.
Là giáo viên chủ nhiệm của anh Vỹ hồi lớp 8 ở trường THCS Thái Nguyên, TP Nha Trang, cô Lại Thị Ngọc Trân vẫn ấn tượng với cậu học trò thông minh, được giáo viên trong trường yêu mến. Cô Trân luôn dõi theo từng bước đường của học trò ở nước ngoài. Mỗi lần anh Vỹ về nước, hai cô trò lại gặp nhau trò chuyện.
“Vỹ rất tâm huyết với nghề. Nghe Vỹ kể về ngôi trường dành cho người Việt, tôi rất tự hào”, cô Trân nói.
Nhìn lại hành trình của mình, anh Vỹ nói luôn kiên trì triết lý dạy học là để chuyển hóa học sinh, chứ không phải chỉ tuyển toàn học sinh giỏi.
“Tôi tự hào vì thành quả các em đạt được. Tôi có nói hay thế nào nhưng học sinh không tiến bộ, không vào được đại học thì không thể khiến phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con”, anh Vỹ nói, cho hay sắp tới sẽ chuyển VHA tới địa điểm mới rộng hơn, tăng quy mô lên khoảng 600 học sinh.
Vnexpress.net