Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Báo Bình ĐịnhBáo Bình Định20/06/2023


Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

(BĐ) - Chiều 19.6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu (ĐB) Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định năng lực tài chính đối với chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhằm đảm bảo DN có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án đúng tiến độ và đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Vấn đề tiếp theo ĐB Phớc quan tâm là hiện còn rất nhiều người dân mua đất từ các dự án bất động sản nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là vì các chủ đầu tư bất động sản khi bán đất cho người dân vẫn còn nợ ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật Đất đai, nếu DN không nộp tiền sử dụng đất thì bị xử phạt chậm nộp, mà tiền xử phạt chậm nộp lại thấp hơn so với lãi suất ngân hàng. Cho nên có tình trạng DN bất động sản sau khi bán đất thì lấy tiền ứng trước của người mua đi đầu tư các dự án khác. Mà khi chủ đầu tư dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất thì nhà nước sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Điều này dẫn đến sự bất ổn trong xã hội, dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại.

ĐB Lê Kim Toàn phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, ĐB Phớc đề nghị phải thiết kế Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sao cho đảm bảo DN bất động sản thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Còn sau đó khi có tranh chấp giữa DN với người dân thì xem đây là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Tham gia thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ĐB Lê Kim Toàn ủng hộ việc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, nhằm góp phần công khai, minh bạch và đặc biệt là kiểm soát được các giao dịch, tránh tình trạng chủ đầu tư đưa vào kinh doanh những bất động sản chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Vấn đề thứ hai mà ĐB Toàn băn khoăn là bất động sản hình thành trong tương lai. Dự thảo Luật dành một chương quy định cho phép chủ đầu tư được đưa các bất động sản đang đầu tư và sẽ được hình thành trong tương lai theo các quy chuẩn, quy định của các pháp luật có liên quan vào kinh doanh. ĐB Toàn ủng hộ quy định này nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thể huy động vốn theo tiến độ dự án, tuy nhiên, ĐB Toàn cũng tỏ ra băn khoăn về thời điểm giao dịch để kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai. Đặc biệt đối với nhà ở, trong dự thảo quy định, đối với dự án có đầy đủ pháp lý thì khi đầu tư hoàn thiện hạ tầng theo tiến độ và được công nhận, có giấy phép xây dựng và dự án nhà ở đã được khởi công thì có thể đưa dự án đó vào kinh doanh.

ĐB Toàn cho biết, trong thực tế hiện nay đang diễn ra các giao dịch bất động sản  gọi là hợp đồng đặt chỗ. Khi dự án bắt đầu triển khai, người có nhu cầu sẽ ký hợp đồng đặt chỗ (mua lô đất) với chủ đầu tư theo tiến độ đầu tư hạ tầng, nộp tiền theo từng giai đoạn. Khi đầu tư xong phần đất, người dân nộp tiền đất; đến khi xây dựng nhà trên đất thì chủ đầu tư xây theo hợp đồng tiếp theo hoặc người mua nhận đất tự xây. Nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà khi công trình, nhà ở đã hoàn thành, hoàn công và nghiệm thu theo quy chuẩn.

Như vậy, thực tế là các hợp đồng đặt chỗ của người dân với chủ đầu tư bất động sản không được cơ quan công chứng thực hiện vì Luật Kinh doanh bất động sản không quy định điều này. Cho nên, nếu xảy ra tranh chấp sẽ rất phức tạp, khó giải quyết. Do đó, ĐB Toàn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để điều chỉnh các quy định cho phù hợp. 

GIA NGUYỄN



Source link

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available