Hụt hẫng vì trượt trường Kinh tế top đầu, Thủy “đành học” ngành Công nghệ Dệt May của Bách khoa Hà Nội nhưng sau đó thấy may mắn.
Những ngày cận kề Tết, Đặng Thị Thanh Thủy, 23 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội tới trường để thi những môn cuối cùng và bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Dự kiến, Thủy tốt nghiệp sớm một học kỳ.
Trước đó, Thủy nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương với nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện đạo đức, thể lực, tình nguyện và hội nhập. Điểm trung bình học tập năm ngoái của Thủy là 3,84/4. Nữ sinh được kết nạp Đảng hồi tháng 9, có bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín trong nước.
“Nhìn lại cả hành trình, mình cảm thấy may mắn vì từng nghĩ không hợp với ngành học và ngôi trường này”, Thủy nói.
Thủy quê Thái Bình. Là học sinh năng nổ ở bậc THPT, Thủy được tư vấn thi vào khối trường Kinh tế để vừa học vừa tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội. Nữ sinh theo lời khuyên, đặt nguyện vọng 1 vào ngành Quản trị kinh doanh của một trường Kinh tế. Với nguyện vọng 2, Thủy chọn ngành Công nghệ Dệt May của Đại học Bách khoa Hà Nội bởi “có chút khéo tay, chị gái từng học trường này”.
Xét tuyển bằng tổ hợp Toán, Lý, Hóa năm 2019, Thủy hụt hẫng khi trượt nguyện vọng 1. Nhìn các bạn trong lớp đều trúng tuyển vào trường Kinh tế, Thủy càng buồn hơn. Được sự động viên của chị gái, lại không muốn nghỉ ở nhà một năm chỉ để ôn thi lại, cô quyết định nhập học Bách khoa.
Vào trường, Thủy bất ngờ khi trường kỹ thuật như Bách khoa cũng có hàng chục câu lạc bộ, bên cạnh các hoạt động đoàn, hội. Như cá gặp nước, Thủy hoạt động năng nổ cả ở Liên chi Đoàn khoa, Hội Sinh viên trường, câu lạc bộ Tiếng Anh…
Thế nhưng, cô gái Thái Bình gặp khó khăn lớn về học tập khi giảng đường đại học khác hoàn toàn với lớp học quy mô nhỏ ở bậc phổ thông. Thủy chật vật học những môn đầu tiên, được đánh giá là “nỗi khiếp sợ với sinh viên Bách khoa” như Giải tích, Đại số.
“Mình biết phải chú ý nghe giảng và ghi chép đầy đủ trên lớp nhưng khi mới cúi xuống viết một công thức và nhẩm lại để xem đúng chưa, ngẩng lên thầy đã viết kín bảng, không thể theo dõi kịp”, Thủy mô tả.
Thủy thay đổi phương pháp học, bắt đầu với phương châm “học thầy không tày học bạn”. Vì tham gia đoàn, hội, là ủy viên Ban học tập, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội, Thủy quen biết nhiều anh chị khóa trên, nhờ họ tư vấn cách học, ôn thi và giới thiệu tài liệu. Nữ sinh cũng kết hợp với những bạn học tốt trong lớp, tạo thành nhóm học tập để hỗ trợ nhau.
“Có những hôm, nhóm mình thảo luận đến 1-2h sáng, giải quyết được nhiều vấn đề và khắc phục được điểm yếu”, Thủy chia sẻ. Dần dần, kết quả học tập của Thủy được cải thiện.
Đến năm thứ tư, Thủy lần đầu nhận được học bổng khuyến khích học tập loại A – loại cao nhất của trường. Thủy còn tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài liên quan đến việc xử lý nước thải công nghiệp. Bài báo sau đó được đăng trên tạp chí Hóa học ứng dụng – một trong những tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận.
Dù đầu tư nhiều hơn cho học tập, Thủy vẫn sắp xếp để tham gia đầy đủ các hoạt động phong trào. Nữ sinh chấp nhận có giai đoạn phải học đến 2-3h sáng do dành đến nửa thời gian mỗi ngày cho các hoạt động này.
PGS.TS Phan Thanh Thảo, Trưởng khoa Dệt May Da giày và Thời trang – Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định Thủy trưởng thành từ những hoạt động đoàn hội.
“Em là sinh viên tiêu biểu, giỏi toàn diện, rất cầu thị, ham học hỏi. Không chỉ học tốt, Thủy nhiệt tình trong các công việc chung, quảng bá tuyển sinh cho khoa, có năng khiếu thiết kế ấn phẩm truyền thông”, cô Thảo nói.
Chuẩn bị lấy bằng kỹ sư Công nghệ Dệt May, Thủy có cơ hội làm quản lý, điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp. Nữ sinh cũng đã nhận được một số lời mời với mức lương khởi điểm tốt. Tuy nhiên, Thủy đang suy nghĩ về việc học lên cao hơn, tại ngôi trường đã gắn bó suốt 5 năm qua.