QUANG VIỆT Phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng chuỗi giá trị, huyện Thăng Bình kỳ vọng khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP huyện Thăng Bình đã phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh cho các chủ thể OCOP trên địa bàn.
Huyện Thăng Bình chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để thúc đẩy phát triển chương trình OCOP. Các ngành chức năng của huyện tích cực kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO….
Hướng phát triển các sản phẩm OCOP của Thăng Bình là hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, ưu tiên chế biến sâu sản phẩm để nâng cao giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Huyện Thăng Bình đã mời các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, các chương trình quảng bá, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, các sản phẩm OCOP của huyện thời gian qua không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp, đạt được nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, nhất là truy xuất nguồn gốc.
Hướng phát triển sản phẩm OCOP của địa phương là gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2024, huyện Thăng Bình có 12 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Tính đến nay, tổng số sản phẩm được xếp các hạng sao OCOP lên 37.
Huyện Thăng Bình kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, liên kết với các HTX, nông hộ để đầu tư sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm OCOP, cung ứng cho thị trường.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, huyện Thăng Bình đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hướng dẫn các chủ thể OCOP hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Tập trung tiêu chuẩn hóa, nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được công nhận; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ở trong và ngoài huyện; đẩy mạnh cung ứng sản phẩm ra thị trường…
Hiệu quả liên kết
Bột ngũ cốc “Cô Một” là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Thăng Bình. Sản phẩm này đã được bà Nguyễn Thị Tiến – chủ hộ kinh doanh “Cô Một” xây dựng thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Tiến cho biết, trước đây cơ sở sản xuất hoạt động với quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Tham gia chương trình OCOP, được các ngành liên quan, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã hỗ trợ nên bà Tiến chú trọng đầu tư hoàn thiện sản phẩm, bao bì, mẫu mã… Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt nên thị trường tiêu thụ mở rộng khắp cả nước.
“Được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là dấu ấn trong chặng đường phát triển của sản phẩm bột ngũ cốc “Cô Một”. Để tiếp tục phát triển, tôi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các hộ dân. Đầu tư sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị đem lại lợi ích là giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng và khẳng định vị thế hàng hóa” – bà Tiến nói.
Dầu đậu phụng nguyên chất Bình Nam của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Nam là sản phẩm được đánh giá lại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ông Trần Văn Ninh – Giám đốc HTX cho biết, nhiều năm qua, đơn vị liên kết với người dân trên địa bàn xã Bình Nam trồng đậu phụng trên diện tích hơn 100ha.
Nguồn nguyên liệu đậu phụng chất lượng là nền tảng để chế biến nên dầu đậu phụng nguyên chất. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã tạo mẫu mã đẹp cho sản phẩm, quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa.
Liên kết theo chuỗi cho sản phẩm OCOP, HTX thu được giá trị kinh tế khá, người nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, địa phương khơi thông được thế mạnh trồng đậu phụng. HTX tiếp tục nâng cao chuỗi liên kết dầu đậu phụng nguyên chất, hướng đến xuất khẩu.
Đối với Thăng Bình, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng chuỗi giá trị góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn. Đó là cách thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, bền vững.
nguồn: https://baoquangnam.vn/thang-binh-ky-vong-lon-vao-san-pham-ocop-3146295.html