(QBĐT) - Năm 2020, nhà thơ Ngọc Khương về tổ chức ra mắt “Tuyển tập Ngọc Khương” tại Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình. Đây là một sự kiện văn hóa rất hi hữu, đến từ một thi sĩ xa quê…
Thường nhiều người làm tuyển tập khi sức viết đã hạn chế. Nhưng Ngọc Khương không vậy, anh vẫn liên tục ra thơ mới. Năm 2025, anh quyết định tổ chức ra mắt tập thơ “Bóng quê” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tại nơi chôn nhau cắt rốn-làng Vĩnh Phước.
Đọc “Bóng quê” tôi giật mình bởi ý tưởng và sự ray rứt của anh: “Tôi muốn cõng quê tôi vào với Sài Gòn/nhưng sông Gianh làm sao tôi cõng nổi?...”. Phải, vì không cõng nổi quê đi theo, nên anh đã làm điều ngược lại, “cõng” thơ về quê.
“Cõng” trong hồn thi vị của lịch sử
Ngọc Khương tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Khương. Anh sinh năm 1948 tại làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn. Hiện anh đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Mai Văn Hoan đã viết về Ngọc Khương và “Bóng quê”: “Theo dõi thơ Ngọc Khương, tôi nhận thấy bên cạnh mảng thơ viết về đề tài thiếu nhi, anh còn dành nhiều tâm huyết về đề tài cội nguồn, quê hương. Tác phẩm “Bóng quê” minh chứng cho điều đó. Cội nguồn, quê hương luôn đau đáu trong tâm thức của anh…”.
Tập thơ “Bóng quê” với hai phần: Trường ca “Vĩnh Phước quê tôi” và “Những bài thơ khác”. Tuy tách biệt, nhưng xuyên suốt đều là những áng thơ viết về Quảng Bình nói chung và Ba Đồn, Quảng Lộc nói riêng. Trong bài viết này, tôi muốn quan tâm hơn đến trường ca “Vĩnh Phước quê tôi”.
|
Một tác phẩm thi ca thiên về điển tích, lịch sử nếu người viết non tay sẽ chỉ là những dấu mốc thời gian và những câu chuyện khô khan. Trường ca “Vĩnh Phước quê tôi” đã vượt qua được điều đó để mang lại cho người đọc chất sử thi bi tráng. Ấy là nhờ nghệ thuật ngôn ngữ, hình tượng thơ có tính biểu cảm cao của Ngọc Khương: “Năm trăm năm/Chao mình cánh võng/Tiếng gõ chài đánh thức vầng trăng…” (Chương I).
Tôi cũng sinh ra bên dòng Gianh, cũng làm thơ, cũng lắng nghe “tiếng gõ chài” như anh, nhưng nhận ra tiếng gõ chài “đánh thức vầng trăng” chỉ có thể là Ngọc Khương. Lại thêm vầng trăng nữa có “dan díu” với thanh âm, nếu trăng trên kia thức bởi tiếng gõ chài, thì trăng ở đây “ngọt” với tiếng mõ kháng chiến: “Ngày kháng chiến mõ đình giục giã/Đêm hẹn hò giếng Mới ngọt môi trăng…”(Chương I). Trăng và sao và sự ám ảnh những âm thanh của làng quê xưa chính là những gợi thức tâm hồn của Ngọc Khương: “Khuya tháng năm rộn rập đồng làng/Tiếng đập đất gõ vào giấc ngủ/Những chú bò cùng phận người lam lũ/Vẹt đường cày, mong một ánh sao rơi..” (Chương I). Chỉ chừng đó thôi, người đọc đã hiểu được ngôi làng Vĩnh Phước với ruộng đồng, sông nước, nghề nghiệp, đấu tranh sinh tồn như thế nào.
Trở lại với “Vĩnh Phước quê tôi”, phải khẳng định rằng, nếu không là một người có kiến văn sâu rộng và tràn đầy nhiệt huyết, sẽ không viết được một trường ca đậm chất sử thi như vậy. Trường ca với 9 chương, trải dài lịch sử hơn năm trăm năm lập làng Vĩnh Phước, gắn liền với bao nhiêu biến thiên cùng công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ sử tích lập làng ở vùng Nam Gianh đất đai mỡ màng: “Mỗi ngày, một mở mang/Từ ngoài sông vô rú/Nào đắp đê, chống lũ/Nào khơi nước, be bờ/Họ thỏa nguyện ước mơ/Lập làng Ngang-Vĩnh Phước” cho đến: “Nay trời xanh, chim hót/Làng hóa phố mỗi ngày/Đường loáng bóng xe bay…” (Chương II).
Từ nhân vật lịch sử-Thượng tướng Nguyễn Khắc Minh chiến công lẫy lừng, huyền thoại: “Được dân tôn như vị anh hùng/Xứng dòng dõi trâm anh, quyền quý!...Vì nghĩa lớn, chẳng tiếc gì xương máu/Quyết dâng mình cho Đại Việt tồn vong/Vua Duy Tân, Khải Định đã truy phong/“Đoản Túc Tôn Thần”, “Thành Hoàng Bổn Thổ”/Được lập miếu tôn thờ khắp Thị Lệ/Được ghi công vào sổ ngọc triều đình” (Chương III). Cho đến một “Truy Viễn đường”, nơi an táng cũng là nơi thờ phụng Nguyễn Khắc Minh đã trở thành: “Chốn thần linh che chở đạn bom/Nơi tráng sĩ luận bàn đánh giặc/Đền thờ hóa pháo đài vững chắc/Cháu con thành dũng sĩ kiên trung/Bốn trăm năm nắng đốt, mưa tuôn/Lũy tre xanh ấp ngôi đền cổ/Dòng sông nhỏ ru người trong mộ…” (Chương III). Đền thờ đã được tỉnh Quảng Bình công nhận Di tích Lịch sử văn hóa, niềm tự hào chung của mỗi người dân.
Trong trường ca “Vĩnh Phước quê tôi” còn là câu chuyện hùng ca của Chánh Vệ úy Lê Nho Can: “Từng theo vua Quang Trung đánh giặc/Người tiên phong trong đoàn quân Bắc phạt/Thần tốc, xé sóng, vượt Linh Giang” (Chương IV). Còn là câu chuyện lịch sử hình thành làng Đạo (Thiên Chúa) từ năm 1629 với: “Mấy trăm năm vui buồn đất Việt/Dân quê tôi vẫn mến Chúa, thương nòi/Vững đức tin có Chúa ngự trên trời/Kẻ cày ruộng, người tòng quân cứu nước” (Chương V). Đó còn là câu chuyện của một ngôi làng kiên trung trong kháng chiến chống Pháp: “Cùng tuốt lê ra trận, xông lên/Ào ào sóng cuộn dòng Gianh/Phú Trịch quân Pháp máu tanh ngập bờ”. Đó là nỗi đau bom đạn Mỹ: “Cồn Hàu thân xác ngổn ngang/Mấy lần xóm Miệu xương tan, thịt bầm…”. Nhưng ý chí làng luôn kiên cường bất khuất như mọi miền quê khác trên dải đất hình chữ S: “Vẫn cuốc cày, khoai lúa tốt tươi/Vẫn đến trường mặc đạn bom rơi/Giương cao súng hạ tàu bay Mỹ…” (ChươngVI).
“Cõng” trong lòng những trăn trở về sự đổi thay
Người xa xứ khi nghĩ về quê hương, ai cũng nặng tấm lòng hoài cổ. Đó là những khung cảnh làng quê mộc mạc mà cô đọng tình người. Đó là những bản sắc văn hóa đậm trong tâm khảm. Nhà thơ Ngọc Khương cũng không ngoại lệ:“Tôi lớn lên bên đồng quê gió thổi/Nghe nôn nao tiếng nghé gọi chiều về/Tiếng cấy cày ướt vạt sương khuya/Tiếng ré nước tháng Mười tôm cá quẫy…/Rơm phơi nắng, bắc thang xây tháp nổi/Đêm đông về ủ ấm, ngọt giấc mơ…” (Phần VII). Tuy nhiên, ngày trở về, bên cạnh niềm vui của sự phát triển đô thị hóa mang lại nhiều thay đổi tích cực về kinh tế và đời sống văn hóa: “Bến cũ bây giờ đã khác xưa/Cầu qua Cồn Sẻ, nắng chiều mơ/Cô gái tóc vàng, căng ngực nõn/Mắt biếc đưa tình… xem ngộ chưa?”, thì sự trăn trở của thi sĩ bởi những tác động tiêu cực đến văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái của quê hương cũng không kém:
“Thuyền chen, nhà lấn, nghẽn đôi bờ
Quặn mình biển chết, sông ngắc ngoải
Thất thểu con tàu, rã giấc mơ!...
…Còn đâu gương nước trong như ngọc
Trăng lặn mất rồi, buốt câu thơ!”
Vĩnh Phước, Quảng Lộc không chỉ được bao bọc bởi sông Gianh, mà còn có con sông đào Hòa Giang một thời: “Sông làng/Đã hóa sông thơ/Miên man/Chảy/Giữa giấc mơ bao người” Ấy vậy mà: “Bây chừ/Gương ố mất rồi /Sông quê nghẹn đục/Nổi trôi lục bình!/Cầu vồng/Đã níu Lộc-Ninh/Mà hương cau/Với dáng hình em đâu?” Sự ngắt nhịp của những câu lục bát, đủ sức nặng về trăn trở của người cầm bút.
Khi nhà mái ngói được thay thế bởi nhà cao tầng, thì những giá trị truyền thống cũng dần phai nhạt. Chợ quê từng mang đậm nét văn hóa giao thương của người nông dân nay vắng bóng dần khi các siêu thị, cửa hàng mọc lên: “Ta về gom nhớ, nhặt thương/Thương sông hấp hối/Chợ Trường vắng thưa…”. Giếng làng là nhân chứng của tình yêu đôi lứa: “Cha mẹ tôi gặp nhau/Trao cái nhìn đáy giếng/Cùng nắm sợi dây gàu/Níu tình yêu vĩnh viễn”. Ấy vậy mà bây giờ: “Mấy mươi năm/Có đâu ngờ!/Giếng trong hóa đục/Biết giờ hỏi ai?/Mẹ tôi nén tiếng thở dài/Bên bờ giếng cũ/Ngồi hoài sương rơi…” Hình ảnh mẹ, tiếng thở dài, giếng cũ sương rơi là sự trăn trở về tình người mai một...
Và giấc mơ của thi sĩ: “Ước gì/Xanh biếc dòng xưa/Gương quê lại sáng/Giấc mơ lại lành!”. Suốt cả chương VII của trường ca “Vĩnh Phước quê tôi” với thể thơ, nhịp thơ thay đổi liên tục, tôi nghe như nhịp thở đầy trăn trở trong lòng của Ngọc Khương vậy.
Với “Bóng quê” nói chung, thơ của Ngọc Khương luôn sử dụng bút pháp, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu nhưng chứa đầy, hình tượng, thi ảnh đẫm chất thi ca. Tuy nhiên, tôi có cảm giác ở trong phần “Những bài thơ khác” vẫn có đôi bài dễ dãi. Nhưng để kết thúc bài viết này, tôi xin dẫn ra đây tấm lòng, mộc mạc, thơm thảo của thi sĩ Ngọc Khương khi “cõng” thơ về quê, trong bài “Ngẩn ngơ ta về”: “Ta về chẳng bạc tiền chi/Gửi ngàn trang sách-thầm thì câu thơ/Ta về lạc giữa giấc mơ/Ngôi trường thi sĩ… Ngẩn ngơ ta về.”.
Đỗ Thành Đồng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202503/nha-tho-ngoc-khuong-nguoi-cong-tho-ve-que-2225283/
Bình luận (0)