(Dân trí) – Trong chuyến hải trình giữa tháng 5, phóng viên Dân trí ghi lại những hình ảnh mới nhất về cuộc sống của bộ đội tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Ra khơi
Tháng 5 biển lặng, quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) tấp nập tiễn các chuyến tàu chở khách ra thăm huyện đảo Trường Sa. Trong ảnh là tàu vận tải 571 đưa đoàn công tác số 20 đi thăm các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây C, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1.
Sau khoảng 30 tiếng hải trình, du khách đã nhìn thấy hòn đảo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa (đảo Song Tử Tây). Nhiều người không giấu được xúc động khi chứng kiến tận mắt hòn đảo chủ quyền của Việt Nam giữa đại dương mênh mông.
Tại các đảo nhỏ, tàu 571 sẽ neo đậu từ xa, du khách sử dụng xuồng máy để di chuyển vào đảo.
An Bang là hòn đảo khó tiếp cận nhất vì thường xuyên có sóng lớn. Trong ảnh là một chuyến xuồng vừa cập đảo nhưng lại bị sóng đánh ra xa.
Khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên giữa lính đảo và khách từ đất liền không phải là cảnh “tay bắt mặt mừng”, thay vào đó là sự căng thẳng, tập trung cao độ để đưa xuồng cập đảo an toàn.
Trong ảnh là đảo chìm Len Đao thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo này vốn là một bãi đá nằm trong cụm Gạc Ma – Côn Lin – Len Đao, nơi từng chứng kiến trận hải chiến ngày 14/3/1988 giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc khiến 64 cán bộ chiến sĩ Việt Nam hy sinh.
Sau trận hải chiến, Trung Quốc chiếm giữ trái phép đá Gạc Ma trong khi Việt Nam giữ được đá Côn Lin và Len Đao. Trong ảnh là đá Len Đao với Gạc Ma nằm ở phía xa.
Nhà giàn DK1 16 (nhà giàn Phúc Tần B) thuộc quản lý của Vùng 2 Hải Quân.
Toàn cảnh đảo Trường Sa (còn gọi là Trường Sa Lớn). Đây là hòn đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất của huyện đảo Trường Sa. Trong chuyến hải trình của tàu 571, đây cũng là hòn đảo duy nhất mà tàu cập được vào tận cầu cảng, không cần sử dụng xuồng máy để trung chuyển hành khách.
Chắc tay súng gác biển trời
Trong chuyến hải trình qua 5 hòn đảo và 1 nhà giàn, hình ảnh ấn tượng nhất với chúng tôi là những người lính trong tư thế làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong ảnh là chiến sĩ hải quân đứng gác tại bia chủ quyền trên đảo Trường Sa.
Các chiến sĩ hải quân Việt Nam canh gác trên đảo Đá Tây C, Song Tử Tây, Len Đao và nhà giàn DK1 16.
Đoàn khách từ đất liền được trải nghiệm Lễ chào cờ, duyệt đội ngũ trên đường băng của đảo Trường Sa.
Chiến sĩ hải quân trên đảo Đá Tây C.
Phút lắng đọng
Sau khi thăm đá Len Đao, đoàn công tác tập trung trên boong để làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Với hậu cảnh là đảo Gạc Ma đang bị chiếm đóng trái phép, vị sĩ quan đọc diễn văn nhắc lại sự hy sinh của 64 liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận hải chiến năm 1988.
Lễ tưởng niệm là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong cả chuyến hải trình. Nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi nghĩ về những liệt sĩ đã hy sinh giữa biển khơi, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Sau phần dâng hương, mỗi người cầm trên tay một bông hoa cúc và cánh hạc giấy để chuẩn bị cho phần thả hoa tưởng niệm.
Bè hoa tưởng niệm các liệt sĩ được thả trôi theo sóng nước.
Những khoảnh khắc đời thường
Trong ảnh là nhóm trẻ em trên đảo Song Tử Tây. Tại đảo có một trường tiểu học và mầm non để đảm bảo điều kiện giáo dục cho trẻ nhỏ. Học hết lớp 5, các bé sẽ về đất liền để học tiếp cấp 2.
Anh Phan Ngọc An và chị Nguyễn Thị Lơ – một cặp vợ chồng với 2 đứa con sinh đôi đang cư trú trên đảo Song Tử Tây.
Những đứa trẻ sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn.
Đinh Hằng Nga, nữ nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam cùng các đồng nghiệp trong buổi diễn văn nghệ trên đảo An Bang với tiết mục Lý trưởng – Mẹ Đốp mang lại nhiều tiếng cười cho bộ đội trên đảo.
Phút thể thao ngoài giờ của chiến sĩ Radar trên đảo Trường Sa Lớn.
Lính radar cắt tóc cho nhau trên đảo Trường Sa Lớn.
Sĩ quan hải quân và những vị khách trên đảo chìm Đá Tây C.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/tham-truong-sa-mua-bien-lang-20240527133652125.htm