Với lịch sử hình thành, truyền thống cách mạng và ý chí kiên cường, người dân Tuy Phong với đức tính cần cù, chịu khó đã không ngừng vươn lên. Trong suốt 40 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện nhà đã vượt nhiều gian nan, thử thách, ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh. Trong đó, công tác an sinh xã hội, chăm lo, phụng dưỡng các đối tượng chính sách luôn được chính quyền địa phương chú trọng.
Chăm lo người có công với cách mạng
Thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, công tác người có công với cách mạng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Riêng tại huyện Tuy Phong, một trong những vùng đất cách mạng của tỉnh, địa phương xác định công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách là việc làm luôn được chú trọng hàng đầu. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng. Song song các phong trào xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhận phụng dưỡng, đỡ đầu đã được các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong huyện hưởng ứng tích cực. Bên cạnh, công tác xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, chăm lo nhà ở cho các gia đình có công với cách mạng được quan tâm thực hiện.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Nguyễn Trung Trực, đến nay cơ bản các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện không còn nhà ở tạm bợ, dột nát. Hiện cấp huyện và tất cả các xã, thị trấn đều được xây dựng công trình đài tưởng niệm, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ. Song song địa phương đã khởi công đầu tư xây dựng Đền thờ liệt sĩ của huyện vào năm 2019, xong giai đoạn 1 vào ngày 5/8/2020 và hoàn thành đầu tháng 4/2021. Từ những kết quả đạt được, cho thấy công tác chăm lo gia đình người có công với cách mạng được thực hiện tương đối tốt, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Giải quyết kịp thời các chính sách an sinh xã hội
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phong cho biết, những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền Tuy Phong rất quan tâm đến công tác chăm lo đối tượng chính sách, người có công, kể cả việc thờ cúng liệt sĩ, phụng dưỡng, hỗ trợ người có công, có hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu UBND huyện về việc thăm, tặng quà gia đình và người có công cách mạng; tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Song song, có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin năm 2023. Bên cạnh đó, đơn vị đã tham mưu UBND huyện đề nghị các xã, thị trấn rà soát đăng ký hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ người có công; kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn huyện đến năm 2025. Song song, xét chọn người có công với cách mạng, đại diện gia đình chính sách tiêu biểu được thăm, tặng quà nhân dịp 40 năm ngày tái lập huyện Tuy Phong.
Bí thư Huyện ủy Tuy Phong Nguyễn Dân thăm tặng quà gia đình có công cách mạng
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND huyện tổ chức đưa hơn 500 thân nhân liệt sĩ ở các xã, thị trấn đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Đồng thời thăm và tặng 38 suất quà cho các đối tượng thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên… với số tiền 38 triệu đồng. Ngoài ra, nhân kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện, đơn vị đã lập danh sách 200 người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu được lãnh đạo huyện thăm, tặng quà với số tiền 140 triệu đồng; phối hợp các xã, thị trấn rà soát nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở. Chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi và trợ cấp cho đối tượng…
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong, trải qua chặng đường 40 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện vô cùng phấn khởi, tự hào về những kết quả đạt được trong chặng đường cách mạng đã qua. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, kết thành một khối thống nhất, ra sức rèn luyện bản lĩnh… quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời gian tới là tiếp tục chú trọng thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chăm lo, phụng dưỡng đối tượng chính sách.
Theo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phong, hiện nay toàn huyện có 1.946 đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ. Trong đó, thị trấn Liên Hương 449, Phan Rí Cửa 384, Chí Công 248, Bình Thạnh 153, Vĩnh Hảo 124… Các đối tượng bao gồm thương binh, bệnh binh 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động dưới 80%; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ…