Những năm qua, Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo thông qua việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vừng giai đoạn 2021- 2025 và các chương trình, dự án chính sách dân tộc.
Những kết quả đó đã góp phần phát huy các tiềm năng, lợi thế tại địa phương, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Năm 2023, tại Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Tỉnh cũng có kế hoạch hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững; Tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS sinh sống và Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo của Thái Nguyên cho thấy, các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo này bước đầu đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người DTTS và người nghèo; trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn; hỗ trợ về nhà ở cho 1.238 hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương.
Đã có 35 dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện, với sự tham gia của gần 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, nổi bật là các dự án phát triển mô hình sản xuất cây lục trúc lấy măng gắn với liên kết chuỗi giá trị nhằm cải thiện sinh kế góp phần giảm nghèo cho người dân tại Định Hóa; hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Mông tại xóm Bản Tèn, Văn Lăng, Đồng Hỷ; dự án liên kết chăn nuôi dê, sản xuất chè, nuôi gà thương phẩm tại các địa phương của tỉnh.
Nhìn lại nửa chặng đường thực hiện Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có thể thấy Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Năm 2022, tỷ lệ giảm số hộ nghèo là 1,79%, vượt so với kế hoạch giao, cao hơn trung bình tỷ lệ giảm toàn quốc là 1,2%.
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 tỉnh Thái Nguyên được phân bổ cho chương trình này là trên 117,3 tỷ đồng. Dự ước đến 31/12, tỉnh giải ngân đạt trên 84% so với nguồn vốn thực hiện năm 2023.
Xác định mục tiêu lâu dài quyết tâm xóa đói, giảm nghèo bền vững, đa chiều trên địa bàn, Thái Nguyên vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững, đồng thời, tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện tốt chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
Hải Anh