Xông hơi, nhịn ăn, uống nước ép hỗn hợp rau củ… quá mức có thể không giúp giải độc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, dung nạp quá nhiều chất độc hại như thực phẩm nhiễm bẩn, rượu bia, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ… ảnh hưởng đến chức năng điều hòa và thải độc của cơ thể.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan cao và có xu hướng gia tăng. Ước tính có khoảng 7,8 triệu người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, 80.000 ca ung thư gan, khoảng 40.000 người tử vong do bệnh gan mỗi năm.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết để thải độc cho cơ thể, nhiều người áp dụng các biện pháp như xông hơi, nhịn ăn nhiều ngày, uống nhiều nước ép hỗn hợp… Tuy nhiên, những cách này không mang lại hiệu quả như nhiều người lầm tưởng, thậm chí gây tác dụng phụ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu áp dụng sai cách. Cơ thể có thể loại bỏ chất độc dù có hoặc không có sự trợ giúp, không cần dùng thuốc, xông hơi hay uống nước ép quá nhiều…
Xông hơi
Sử dụng nhiệt độ cao từ hơi nước có thể làm giãn nở mạch máu ngoại biên, tăng tiết mồ hôi, giải cảm, hạ sốt, điều hòa thần kinh giao cảm, giải tỏa căng thẳng… Bên cạnh đó, xông hơi còn làm sạch bã nhờn, tế bào chết trên da, giúp lỗ chân lông thông thoáng. Xông hơi có thể giúp cơ thể đào thải một phần độc tố, tuy nhiên, đào thải độc tố qua da chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Cơ thể con người bài tiết qua 4 con đường: hô hấp (thở), tiêu hóa (phân), tiết niệu (nước tiểu) và da (mồ hôi). Trong đó, độc tố được thải qua da chỉ chiếm 1%, còn lại được loại bỏ chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiết niệu. Những chất độc trong đồ ăn, thức uống khi qua gan sẽ làm giảm độc tính, biến chất độc thành chất không độc hoặc ít độc, dễ hòa tan trong nước rồi thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.
Theo bác sĩ Bích, nếu xông hơi quá nhiều khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa và đào thải của nhiều cơ quan, trong đó có gan. Điều này vô tình làm suy giảm vai trò khử độc, chống độc cho của gan.
Nhịn ăn
Bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ thêm, cơ thể không cần chế độ ăn kiêng để thải độc và có thể giải độc một cách tự nhiên. Áp dụng chế độ nhịn ăn hay ăn kiêng ngắn hạn nhằm giảm cân hoặc thải độc có thể không mang lại hiệu quả mong đợi trừ khi bạn thay đổi lối sống. Chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc nhịn ăn giúp ích cho thải độc.
Trước khi thực hiện bất kỳ hình thức nhịn ăn nào, bạn phải xem xét các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nhịn ăn ngắn hạn và lượng calo hạn chế có thể dẫn đến mệt mỏi, khó chịu và hơi thở có mùi. Nhịn ăn trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu năng lượng, vitamin và khoáng chất, cũng như mất cân bằng điện giải và thậm chí tử vong. Hơn nữa, theo bác sĩ, các phương pháp làm sạch ruột, đôi khi được khuyến nghị trong quá trình giải độc, có thể gây mất nước, chuột rút, đầy bụng, buồn nôn và nôn. Để cơ thể nghỉ ngơi, bạn nên giảm lượng calo ăn vào và tăng vận động, nhưng vẫn đảm bảo vitamin, điện giải, chứ không nên nhịn ăn hoàn toàn.
Tốt nhất, để cơ thể khỏe mạnh, bạn cần có chế độ ăn khoa học, ưu tiên nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, chọn thực phẩm sạch, uống nhiều nước, kết hợp tập luyện vừa sức như yoga, chạy bộ, bơi lội…
Uống nhiều nước ép rau củ
Nếu nhịn đói trong nhiều ngày, chỉ dùng nước ép rau củ khiến cơ thể phải lấy nguồn năng lượng dự trữ từ gan để hoạt động. Khi gan thiếu năng lượng để khử độc khiến khả năng khử độc giảm hơn. Nhịn đói và uống nhiều nước rau củ còn khiến cơ thể mệt mỏi, khó đảm bảo sinh hoạt thường ngày do thiếu hụt năng lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi bụng đói, bạn sử dụng các loại nước trái cây, rau củ có tính axit làm tăng nguy cơ mắc các nhóm bệnh lý đường tiêu hóa như viêm hay loét dạ dày tá tràng… Do vậy, tốt nhất, bạn nên bổ sung nước ép trái cây, rau củ điều độ mỗi ngày nhằm bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức khỏe, thay vì chỉ sử dụng lượng nhiều, ngắn hạn và nhịn ăn trong vài ngày.
Việc thải độc cho cơ thể cần chú ý khả năng điều hòa và thải độc độc của gan, thận, hô hấp, tiết niệu, da cả từ bên trong và bên ngoài. Bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi và vận động khoa học; hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá; các loại thuốc, thực phẩm chức năng, hóa chất, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Uống đủ nước (1,5-2 lít), thường xuyên hít thở sâu, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp duy trì sức khỏe về tinh thần và thể chất. Người trưởng thành nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để sớm phát hiện bất thường và điều trị phù hợp.
Quyên Phan