Trong ngày thứ Tư, bảy công ty sản xuất xe hơi đã tuyên bố sẽ thành lập một công ty mới với chức năng cung cấp dịch vụ sạc xe điện tại Mỹ, nhằm thách thức Tesla và tận dụng các gói trợ cấp mà chính quyền Tổng thống Biden cung cấp.
Nhóm các công ty này bao gồm General Motors, Stellantis, Hyundai Motor cùng công ty liên kết Kia, Honda, BMW và Mercedes Benz. Đây là những thương hiệu đằng sau khoảng một nửa lượng xe hơi được bán tại Mỹ nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường xe điện do Tesla thống trị.
Liên hiệp những đối thủ cạnh tranh này – theo một số luật sư sẽ làm dấy lên một số lo ngại về chống độc quyền – cho biết, liên doanh này sẽ hướng tới triển khai 30 ngàn trạm sạc xe điện trên toàn Bắc Mỹ, bắt đầu tại các địa điểm dọc đường cao tốc lớn và trong các thành phố.
Các nhà sản xuất xe hơi không cho biết rõ về mức tài chính họ sẽ đầu tư đối với từng công ty hay nói chung, nhưng cũng cho biết sẵn sàng đầu tư thêm hoặc nhận các yêu cầu tham gia từ các công ty khác, bao gồm cả các công ty nằm ngoài ngành công nghiệp xe hơi. Hiện tại, liên doanh này vẫn chưa có tên chính thức.
Akshay Singh, một thành viên của văn phòng tư vấn PwC Strategy& cho biết: “Khoản đầu tư mỗi công ty phải bỏ ra thông qua quan hệ đối tác này sẽ nhỏ hơn nhiều so với lựa chọn xây dựng mạng lưới trạm sạc của riêng họ. Họ cũng sẽ có khả năng kiểm soát trải nghiệm người dùng và thu thập dữ liệu”.
Hiện tại, có tới hơn 30 ngàn trạm sạc nhanh trên toàn nước Mỹ. Mỗi trạm này có thể mất phí triển khai từ chưa tới 100 ngàn USD tới hơn 200 ngàn USD tùy vào tính năng.
Các giám đốc trong ngành với nhiều kinh nghiệm về các trạm sạc này cho biết, chi phí thực hiện liên doanh này có thể lên tới nhiều tỷ USD.
Chính quyền Nhà Trắng đã có lời khen ngợi với thỏa thuận này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là một bước tiến quan trọng. Hợp tác này sẽ tạo nên nhiều việc làm thông qua quá trình lắp đặt và bảo trì các trạm sạc”.
Chính quyền Tổng thống Biden đã đặt ra mục tiêu lắp đặt 500 ngàn trạm sạc trước năm 2030, mức tăng tới bốn lần so với thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức.
Tesla chiếm hơn 60% tổng lượng xe điện được bán tại Mỹ trong năm 2022, nắm giữ mạng lưới trạm sạc xe điện lớn nhất với hơn 18.000 trạm sạc Supercharger.
Trong đầu năm nay, Tesla cho biết sẽ cung cấp dịch vụ tại một phần mạng lưới trạm sạc này cho các xe điện từ các công ty đối thủ nhằm đạt điều kiện nhận được một phần gói trợ cấp liên bang trị giá 7,5 tỷ USD.
Tesla dẫn đầu
Lợi thế mà Tesla nắm giữ trong cuộc đua triển khai mạng lưới sạc xe điện cho phép công ty này chiếm quyền đặt ra tiêu chuẩn, một yếu tố các công ty đối thủ đã phải nhìn nhận với nhiều lo ngại.
GM, Mercedes và các công ty khác đã ký thỏa thuận sử dụng công nghệ sạc mà Tesla phát triển kể từ năm 2025.
GM từng cho biết, công ty này có thể tiết kiệm 400 triệu USD thông qua sử dụng mạng lưới của Tesla. Vào thứ Tư, công ty này cho biết, cuộc liên doanh lần này là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí của họ và “sẽ không thay đổi các cam kết cũng như các quan hệ hợp tác hiện tại của GM ”.
Các nhà sản xuất xe khác – Stellantis, Hyundai, Honda và BMW – hiện vẫn chưa tích hợp công nghệ của Tesla mang tên North American Charging Standard (Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ) – NACS, và sản xuất nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ đối thủ mang tên Combined Charging Standard (Tiêu chuẩn sạc tổng hợp) – CCS.
Công ty dịch vụ sạc mới sẽ hỗ trợ cả hai tiêu chuẩn sạc nhưng sẽ cạnh tranh với mạng lưới của Tesla.
CEO của bảy công ty trên cho biết một mạng lưới trạm sạc được xây dựng tương tự như các trạm xăng với đầy đủ tiện nghi như nhà vệ sinh, dịch vụ ăn uống và hoạt động bán lẻ sẽ giúp hỗ trợ quá trình triển khai bán xe điện.
Tuy nhiên, theo Andres Pinter, đồng tổng giám đốc công ty lắp đặt và bảo trì Bullet EV Charging Solutions cho biết, các công ty sản xuất xe hơi không có lượng nhân viên kỹ sư điện hoặc kinh nghiệm làm việc với các nhà bán lẻ cần thiết.
“Các công ty sản xuất xe hơi sẽ rất khó có thể bắt kịp. Nhưng mà họ có khoản tiền khổng lồ có thể ném vào những vấn đề đó và hoàn toàn có thể thuê các doanh nghiệp bên ngoài để giải quyết chúng”.
Liên doanh mới này cũng sẽ cạnh tranh với các công ty dịch vụ sạc có sẵn như Electrify America của Volkswagen hay EVGo.
Các quan chức trong ngành cho biết, liên doanh này có thể được cấu trúc tương tự như Ionity, một liên doanh thành lập vào năm 2017 tại châu Âu bởi VW, Daimler, BMW, Ford và Hyundai.
Khi được hỏi về khả năng liên doanh này sẽ dấy nên các lo ngại về chống độc quyền, một phát ngôn viên của nhóm công ty trích dẫn tuyên bố chung về việc các công ty sẽ phải được thông qua bởi các cơ quan quản lý.
Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận.
Andre Barlow, một luật sư chống độc quyền trong văn phòng luật Doyle Barlow and Mazard cho biết, Bộ Tư pháp rất có thể sẽ xem xét đánh giá thỏa thuận này mặc cho sự hậu thuẫn của Nhà Trắng.
Một lo ngại thường nảy ra xung quanh các liên doanh là về việc quan hệ hợp tác hợp pháp có thể dẫn tới hoạt động phối hợp phi pháp như phá giá và phân chia thị trường.
“Có nhiều rủi ro về chống độc quyền. Chúng ta đang chứng kiến bảy nhà sản xuất xe hợp tác trong liên doanh này”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)