Lớn lên với bát phở gà nghi ngút, thơm lừng ở đầu ngõ và tiếng còi xe inh ỏi giờ tan tầm, cô du học sinh tủi thân mà òa lên khóc giữa miền đất hứa New York vào đêm giao thừa.
Bởi lẽ, cái Tết đất Việt đã đi sâu thật sâu vào tiềm thức của cô gái nhỏ, như một hành lý không cân nhưng nặng tình mà cô phải chôn vùi đi giữa vùng đất hoa lệ của những giấc mơ và hoài bão. Cũng bởi lẽ, sự thâm căn cổ đế của ước mong về nhà, được ôm ấp và chở che bởi những người thân thương, còn xa xỉ hơn ước mong mưu sinh vì một tương lai nhẹ nhàng và bình yên.
Cuộc đời, là sự đánh đổi. Vạn vật, tất yếu sẽ thay đổi. Tết cũng không nằm ngoài quy luật của sự vận chuyển và đổi thay. Cô du học sinh nhấc máy gọi mẹ trong tiếng nức nở đêm giao thừa: “Mẹ ơi con nhớ mẹ, con nhớ nhà mình và con nhớ Tết”.
“Con nhớ cái màu của Tết”. Cái màu đỏ rộn ràng, cái màu đỏ len lỏi vào trong tâm thức con hàng đêm trời mà chẳng sao ngủ được. Bao lì xì đỏ, câu đối đỏ, chậu hoa trạng nguyên của bà ngoại, áo dài của mẹ mặc vào sáng mùng một hay tờ con xin chữ ở Văn Miếu từ hồi bé xíu. Màu vàng, màu hồng cũng đua nhau chen chúc trong lòng con, nở rộ ra những đóa mai, những cành đào khoe sắc thắm. Dải màu của Tết là dải màu của ấm yên và đầy đủ, là dải của sự viên mãn và hạnh phúc tràn đầy, của đoàn viên tề tựu và yêu thương nhau suốt đời. Màu của Tết tiệm vào bức tranh ký ức của con như một màu sắc xa xôi mà thân thuộc. Con thèm được hòa mình vào màu của Tết.
“Con nhớ cái mùi của Tết”. Khi mùi của Tết phả vào cảm xúc của con, kích thích và khơi dậy cả một vùng ký ức ấm áp và vui tươi. Khi mùi của Tết đánh thức những cảm xúc bình dị mà con đã quên lãng trong bộn bề cuộc sống, từng đợt sóng kỉ niệm cứ xô, cứ vỗ vào cuộc sống hiện đại nhưng vắng Tết ở bên này. Con nhớ việc ăn bánh chưng như thức quà mỗi buổi chiều, tối lại một mình ăn nửa đĩa nem rán, ăn mấy bát cơm chan canh măng mà cứ húp sì sụp, mẹ biết con lười ăn gà luộc nên còn bóc sẵn cho con. Bữa cơm nhà ta luôn thơm nức mùi đồ ăn mà chỉ đến Tết nó mới thực sự có hương vị và ý nghĩa của nó.
“Con nhớ âm thanh của Tết”. Nhà hàng xóm bắt đầu bật bài Happy New Year của ABBA từ giao thừa Tết Tây đến giao thừa Tết Ta, tiếng hát karaoke vang vọng khắp nhà, tiếng chào mừng năm mới và chúc tết rong ruổi khắp các con ngõ, tiếng cả nhà mình cười khi xem Táo Quân và tiếng trẻ em cười khi cả năm mới gặp lại những anh chị trong họ hàng mà mình yêu quý. Âm thanh như vang dội tiếng pháo hoa, như véo von tiếng chúc tết mà cũng tươi rói tiếng cười hân hoan.
Con nhớ nhiều lắm mà giờ Tết đi đâu rồi mẹ? Năm trước con về, đứa con khi lần đầu tiên về nhà với cương vị đã thực sự kiếm ra đồng tiền, thấy tết chao ôi khó khăn quá! Trước tết 3-4 tháng, người ta đã bắt đầu ngao ngán nghĩ đến việc chuẩn bị tết, những bước lằng nhằng như chuẩn bị tiền mới đi lì xì, mua đồ sắm sửa trang hoàng cho đến những việc không tên như gội đầu trước đêm Giao thừa, mặc bộ nào đi chúc tết, rửa bát sau khi ăn cỗ xong. Tự nhiên tết ảm đạm đi theo bước chân của người trưởng thành. Tết chỉ đỏ, chỉ dậy mùi, chỉ náo nức khi trong lăng kính của những đứa trẻ thôi hay sao?
Chẳng phải đâu con, Tết vẫn ở đó. Tết trong đôi mắt trẻ thơ và Tết trong đôi mắt những người nhớ nhà. Người ta tất bật chuẩn bị tết, vì người ta yêu tết, người ta cầu kỳ, và “vạn sự khởi đầu nan”, có cái gian nan của sự chuẩn bị là cái đầy đủ của cả năm mới bình an và suôn sẻ. Tết là con, là mẹ, là cả nhà ta, là họ hàng và là cả nước mình cùng hô vang tiếng chào khởi đầu mới, chào những may mắn sẽ nhẹ nhàng ôm ấp ta trong suốt cả năm còn lại. Tết vẫn ở đó, trái tim và bộ óc ta là người quyết định tết còn vui hay không, thật tiếc vì tâm hồn con có đôi chỗ sứt mẻ vì nghĩ rằng tết chẳng còn như xưa. Nhưng cũng thật may vì khi con bất bình với việc đó, điều đấy chứng tỏ con rất yêu tết và thèm khát sự vui vẻ như thuở ban sơ quay lại. Tết ôm gia đình mình và tất cả mọi người mong Tết, yêu Tết con ạ.
Tết nay hay Tết xưa, thì Tết cũng chưa có thay hết đâu.
PHẠM LINH NHI
Phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội