Tội phạm người Anh Eddie Chapman hứa làm việc cho phát xít Đức để thoát ngồi tù, nhưng sau đó trở thành điệp viên hai mang và giúp London đánh lừa Berlin.
Eddie Chapman sinh ngày 16/11/1914 ở Durham, Anh, trong một gia đình quân nhân. Ông gia nhập quân đội ở tuổi 17 nhưng chỉ sau 9 tháng nhập ngũ và làm nhiệm vụ tại Tháp London, ông bỏ trốn cùng một phụ nữ đến Soho.
Quân đội đã bắt và bỏ tù Chapman. Sau khi được trả tự do, Chapman quay trở lại Soho, nơi ông nhận một số công việc lặt vặt. Tại đây, ông sa vào cờ bạc, thường xuyên vi phạm pháp luật và cuối cùng thành lập tổ chức tội phạm của riêng mình mang tên “Jelly Gang”.
Năm 1939, sau một loạt vụ cướp khắp nước Anh khiến bản thân bị truy nã, Chapman đã trốn đến đảo Jersey, lãnh thổ thuộc Anh ở quần đảo Channel, cách bờ biển Pháp vài km, với hy vọng có thể ẩn thân và tiếp tục con đường tội phạm.
Nhưng cảnh sát Jersey không mù mờ như Chapman tưởng. Không lâu sau, các thám tử mặc thường phục phát hiện ông đang ăn tối với bạn gái trong một khách sạn. Chapman đã cố gắng trốn qua cửa sổ phòng ăn nhưng không thành công và bị kết án hai năm tù. Bản án sau đó được gia hạn do Chapman lấy trộm quần áo của bạn tù và cố gắng vượt ngục.
Mùa hè năm 1940, quân đội Đức Quốc xã xâm chiếm quần đảo Channel, khiến nơi đây trở thành lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Anh bị phe Trục, gồm các thế lực Đức, Italy và Nhật Bản, chiếm đóng trong Thế chiến II.
Với rất ít hy vọng trốn thoát hay tiếp tục “sự nghiệp” tội phạm của mình, Chapman đã đưa ra một quyết định thay đổi vĩnh viễn cuộc đời ông: Gia nhập tình báo Đức với tư cách điệp viên.
Chapman và một tội phạm khác có tên Anthony Faramus, vốn là thợ làm tóc, viết một lá thư cho chỉ huy người Đức trên đảo. Họ khoe khoang về năng lực phạm tội của mình cũng như khả năng ngôn ngữ, đề nghị làm gián điệp cho Đức Quốc xã để phá hoại nội bộ Anh.
Ban đầu, tưởng như không ai để tâm đến bức thư. Nhưng vào một đêm, Chapman và Faramus bị các sĩ quan cơ quan mật vụ Gestapo của phát xít Đức đánh thức. Họ đưa hai người lên một chiếc thuyền hướng đến Pháp.
Thực tế, lá thư của họ không bị phớt lờ. Đại úy Stephan von Groning của tình báo Đức nhận thấy Chapman có tiềm năng lớn và quyết định huấn luyện tên tội phạm người Anh. Trong khi đó, Faramus bị đưa đến trại tập trung Buchenwald và bị lãng quên nhưng vẫn sống sót khi Thế chiến II kết thúc.
Trong suốt năm 1942, Đức Quốc xã đã huấn luyện Chapman về chất nổ, liên lạc vô tuyến và nhảy dù. Chapman nhanh chóng thông thạo tiếng Pháp và tiếng Đức. Đến cuối năm đó, ông trở thành học trò đáng tự hào nhất của von Groning và là niềm ghen tị của mọi gián điệp Đức ở châu Âu.
Kể từ năm 1940, máy bay ném bom de Havilland Mosquito của Anh đã liên tục khiến không quân Đức đau đầu khi tiêu diệt thành công hàng loạt mục tiêu nổi bật. Điều này khiến Thống chế Hermann Goring, người đứng đầu không quân Đức, tức giận. Để xoa dịu Goring và giành được lợi thế trong cuộc chiến trên bầu trời, von Groning đã lên kế hoạch cử Chapman đến Anh nhằm cho nổ tung nhà máy chế tạo máy bay de Havilland Mosquito.
Tháng 12/1942, Chapman hạ cánh xuống một cánh đồng lầy lội ở Cambridgeshire và làm điều mà không ai trong cơ quan tình báo Anh hay Đức ngờ tới: Ông đầu hàng.
Chapman thực tế chưa bao giờ có ý định thực hiện nhiệm vụ cho Đức Quốc xã. MI5, cơ quan tình báo, phản gián Anh, thẩm vấn Chapman trong nhiều ngày trước khi quyết định rằng ông có thể là một “tài sản” đáng tin cậy. MI5 xác định Chapman “căm ghét phát xít Đức”.
Với mật danh “Đặc vụ Zigzag”, Chapman nhanh chóng được đưa vào Hệ thống Double-Cross, một nỗ lực nhằm kiểm soát toàn bộ mạng lưới gián điệp của Đức ở Anh bằng các điệp viên hai mang bí mật.
Ngay từ khi bắt đầu làm việc với MI5, Chapman đã cho những cấp trên mới thấy rằng họ hoàn toàn đúng khi chọn ông. Chapman rất háo hức phá hoại hoạt động tình báo của Đức Quốc xã ở Anh cũng như nước ngoài, bắt đầu bằng việc đánh lừa họ rằng nhà máy de Havilland đã bị phá hủy.
Các đặc vụ Anh làm cho nhà máy trông như thể nó bị phá hủy và tung ra các bản tin giả để khiến phát xít Đức tin tưởng. Khi máy bay trinh sát mang về những bức ảnh nhà máy bị hư hại, Đức Quốc xã càng yên tâm rằng nhiệm vụ đã hoàn thành.
Những người quản lý Chapman ở MI5 muốn tận dụng tối đa chiến thắng này và đã sắp xếp để đưa ông trở lại với von Groning trên chiếc tàu buôn The City of Lancaster đến Lisbon, Bồ Đào Nha, quốc gia trung lập trong Thế chiến II. Người Đức không biết điều này, họ tưởng rằng Chapman đã tự tìm được cách trở về.
Khi liên lạc với người Đức tại đại sứ quán Đức ở Lisbon, Chapman đề xuất ông sẽ làm nổ tàu The City of Lancaster bằng một quả bom được ngụy trang thành cục than. Thực tế, Anh đã yêu cầu Chapman tìm cách để họ sở hữu được bom của Đức để nghiên cứu.
Phát xít Đức chuyển cho Chapman hai quả bom và ông đã giao lại chúng cho thuyền trưởng của con tàu. Để tránh nghi ngờ, London loan tin con tàu bị hư hại trên hành trình về Anh và giả vờ mở cuộc điều tra.
Nhờ các thành tích, Eddie Chapman được đánh giá cao đến mức Abwehr, lực lượng tình báo quân sự của Đức quốc xã, đã cử ông đến khu vực do phát xít chiếm đóng ở Na Uy để đào tạo thế hệ điệp viên tiếp theo. Chapman được trao huân chương Thập tự Sắt, thưởng 110.000 Reichsmark (343.000 USD theo giá trị ngày nay) và cả du thuyền, nhưng ông vẫn trung thành với Anh.
“Người Đức yêu mến Chapman nhưng anh ta không đáp lại. Chapman yêu bản thân, thích phiêu lưu và yêu tổ quốc”, một sĩ quan MI5 viết trong bản đánh giá. Khi ở Oslo, Chapman cũng bí mật chụp ảnh các đặc vụ Đức để gửi thông tin cho Anh.
Tháng 6/1944, Chapman trở về Anh để làm nhiệm vụ báo cáo về độ chính xác của bom bay V-1 (tiền thân của tên lửa hành trình) mà Đức nã vào Anh. Chapman báo cho Đức thông tin sai rằng những quả bom đã đánh trúng mục tiêu ở trung tâm London. Vì vậy, quân Đức không điều chỉnh cách tấn công và hầu hết bom rơi xuống vùng ngoại ô phía nam London hoặc vùng nông thôn Kent, gây ra ít thiệt hại hơn nhiều so với những gì người Đức tưởng.
Ngày 20/7/1944, khi Chapman vẫn ở Anh, một âm mưu ám sát trùm phát xít Adolf Hitler đã được thực hiện nhưng không thành công. Giận dữ, Hitler cho giải tán Abwehr. Chapman bỗng trở thành điệp viên vô chủ ở Đức.
Bất chấp vô số thành công của Chapman, MI5 cuối cùng vẫn coi ông là gánh nặng vì ông ta tiếp tục giao du với giới tội phạm ở Anh. Chapman bị loại khỏi lực lượng vào ngày 28/11/1944, được yêu cầu giữ bí mật về những hoạt động gián điệp ông đã làm.
Việc rời khỏi MI5 đã mang đến cho Chapman cơ hội hoàn hảo để quay trở lại con đường phạm tội. Nước Anh vào thời điểm đó lại là thiên đường của tội phạm, với vô số cơ hội cho hoạt động buôn bán chợ đen, trộm cắp, giả mạo. Chapman dính líu đến những kẻ tống tiền, trộm cắp, liên quan đến nhiều hành vi phạm tội, bao gồm buôn lậu vàng qua Địa Trung Hải vào năm 1950
Nhưng tên tội phạm từng là Đặc vụ Zigzag có đặc quyền miễn trừ bất thành văn. Sau khi thực hiện những nhiệm vụ gián điệp táo bạo nhất trong Thế chiến II, chính phủ Anh không bao giờ mạo hiểm để ông rơi vào tay bất kỳ sĩ quan cảnh sát hay phóng viên nào có thể gây sức ép khiến Chapman tiết lộ bí mật.
Tuy nhiên, việc bí mật về Đặc vụ Zigzag và Hệ thống Double Cross bị tiết lộ chỉ là vấn đề thời gian. Chapman đã phá bỏ lời thề và cho xuất bản hồi ký ở Pháp. Ông ta bị Anh phạt nhưng với số tiền không đáng kể.
Phần còn lại của cuộc đời Chapman khá bình lặng. Ông kết hôn với Betty Farmer, người bạn gái mà Chapman đã bỏ rơi trên đảo Jersey, và có một cô con gái. Ông trở thành một doanh nhân và người buôn đồ cổ trong những năm sau đó. Chapman qua đời vì suy tim ở tuổi 83 vào ngày 11/12/1977.
Một điều đặc biệt là 29 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, Chapman nối lại liên lạc được với von Groning, sếp cũ của ông trong tình báo Đức. Von Groning từng bị Mỹ giam trong khoảng thời gian ngắn và sau đó sống ẩn dật. Chapman đã mời von Groning đến dự hôn lễ của con gái mình.
Vũ Hoàng (Theo ATI)