Trung QuốcChuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới bằng taxi bay điện cất hạ cánh thẳng đứng kéo dài khoảng 20 phút hôm 27/2.
AutoFlight, nhà phát triển phương tiện cất hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL) có trụ sở tại Trung Quốc và Đức, hoàn thành một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực vận tải hàng không đô thị hôm 27/2 với chuyến bay liên thành phố tự động đầu tiên trên thế giới của eVTOL.
Trong chuyến bay trình diễn, taxi bay 5 chỗ ngồi Prosperity của AutoFlight di chuyển giữa hai thành phố Thâm Quyến và Châu Hải, Trung Quốc, vượt qua khoảng cách 50 km. Chuyến bay chỉ kéo dài khoảng 20 phút, nhanh hơn nhiều so với hành trình thông thường dài 3 tiếng khi sử dụng ôtô.
Với phạm vi hoạt động tối đa 250 km, Prosperity có khả năng di chuyển với tốc độ hành trình lên tới 200 km/h. Nhà thiết kế nổi tiếng Stephenson, người từng làm việc với các hãng xe như Mini, Fiat, Ferrari, McLaren, Maserati, tham gia thiết kế Prosperity. Chuyến bay thành công hôm 27/2 cho thấy sức mạnh công nghệ của AutoFlight và sự hỗ trợ của chính quyền khu vực trong việc tích hợp eVTOL.
Tian Yu, nhà sáng lập kiêm CEO của AutoFlight, bày tỏ sự phấn khích về chuyến bay liên thành phố mới. Ông cho biết, công ty dự định hợp tác với các nhà chức trách địa phương và đối tác trên thế giới để giúp eVTOL trở nên an toàn, hiệu quả, bền vững và có mức giá phải chăng tại các thành phố trên toàn cầu.
Yu cho biết, chính quyền khu vực dự định phát triển “nền kinh tế độ cao thấp”. Chiến lược là mở hàng nghìn sân bay lên thẳng và hàng trăm đường bay cho eVTOL tại Vùng Vịnh Lớn miền nam Trung Quốc, bao gồm tuyến Thâm Quyến – Châu Hải. Các ứng dụng độ cao thấp bao gồm vận chuyển hành khách, du lịch, logistics và dịch vụ khẩn cấp. Kế hoạch trong ngắn hạn là đạt 300.000 chuyến bay chở hàng không người lái trong vùng mỗi năm.
Một trong những đối tác của AutoFlight là Heli-Eastern, nhà cung cấp dịch vụ trực thăng và vận chuyển hàng không chung, đã đồng ý mua 100 taxi bay Prosperity. AutoFlight dự kiến lấy được chứng nhận chuyến bay chở khách cho Prosperity trong khoảng hai năm.
Công nghệ eVTOL có tiềm năng lớn giúp biến đổi giao thông đô thị. So với máy bay trực thăng, eVTOL có ưu điểm là chỉ cần cơ sở hạ tầng tối thiểu để cất hạ cánh, trong khi vẫn có khả năng bay tốc độ cao của máy bay truyền thống. Hệ thống truyền động điện của eVTOL cũng hứa hẹn có chi phí vận hành thấp hơn và giảm đáng kể ô nhiễm tiếng ồn.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)