Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Mỹ, tàu vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc thả một vật thể vào quỹ đạo tháng 10/2022.
Sau 9 tháng trên quỹ đạo, tàu vũ trụ bí ẩn của Trung Quốc hạ cánh, đưa nước này trở thành một trong số ít quốc gia phóng và thu hồi thành công phương tiện vũ trụ tái sử dụng. Tàu vũ trụ này quay về Trái Đất sáng ngày 8/5 sau 276 ngày trên quỹ đạo, lâu hơn 100 lần so với chuyến bay đầu tiên cách đây gần 3 năm.
“Thành công tuyệt đối của thử nghiệm này đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong nghiên cứu của Trung Quốc về công nghệ tàu vũ trụ tái sử dụng”, Xinhua, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, đưa tin đầu tháng 5.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc công bố rất ít thông tin bổ sung về con tàu. Những chi tiết về thiết kế, khả năng và hiệu suất của nó vẫn còn bí ẩn, Live Science hôm 20/5 đưa tin.
Các chuyên gia cho rằng nó có thể tương tự Boeing X-37B, máy bay vũ trụ của Mỹ ra mắt vào năm 2010. Theo Kevin Pollpeter, nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân, việc hé lộ X-37B đã khiến Trung Quốc lo ngại về tiềm năng quân sự của máy bay này. Ông nhận định, có thể điều này đã thúc đẩy chương trình không gian của Trung Quốc bắt đầu phát triển phiên bản của riêng mình.
Tương tự X-37B, tàu vũ trụ Trung Quốc có vẻ không có người lái và tương đối nhỏ. Nó nhiều khả năng bay lần đầu vào tháng 9/2020, bay vào quỹ đạo hai ngày rồi trở về mặt đất. Nhiệm vụ gần đây nhất của con tàu bắt đầu vào tháng 8/2022, cất cánh nhờ tên lửa Trường Chinh 2F từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ở miền bắc Trung Quốc, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Mỹ. Mục đích chính xác của nhiệm vụ vẫn là bí ẩn.
Theo CSIS, tàu vũ trụ Trung Quốc đã thả một “vật thể” vào quỹ đạo khoảng tháng 10. Vật thể dường như biến mất vào tháng 1, sau đó đột ngột xuất hiện lại trên radar theo dõi vệ tinh hồi tháng 3. Các chuyên gia cho biết, điều này có thể cho thấy máy bay có khả năng dịch chuyển vệ tinh, ví dụ bằng cánh tay robot.
“Trung Quốc đã làm việc nhiều với cánh tay robot trong những bối cảnh khác, chẳng hạn như trạm vũ trụ”, Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard and Smithsonian, nói. Nếu vậy, mục đích chính của tàu vũ trụ tái sử dụng có thể là sửa chữa vệ tinh hỏng hoặc loại bỏ những mảnh rác quỹ đạo.
Thu Thảo (Theo Live Science)