Tàu không gian bí ẩn Thần Long, được tên lửa đẩy Trường Chinh 2F đưa vào quỹ đạo trái đất hôm 14.12.2023, lần đầu bị ghi hình bởi một nhà quan sát vệ tinh kỳ cựu ở Áo.
Trước đó, Trung Quốc chưa từng công bố hình ảnh của Thần Long, cũng như không đề cập đến nhiệm vụ cụ thể của con tàu.
Dựa vào kính viễn vọng 14-inch và thiết bị theo dõi vệ tinh hiện đại, ông Schofbanker phát hiện 2 cấu trúc giống như bảng điện mặt trời ở cuối phi thuyền, đặc điểm chưa từng xuất hiện trong bất kỳ ảnh kết xuất đồ họa nào hiện có.
“Tôi không thực sự rõ nếu đó là bảng điện mặt trời hoặc một thứ gì đó như ăng ten hoặc tương tự”, ông Schofbanker chia sẻ với Space.com. Nhà quan sát ước tính phi thuyền có chiều dài khoảng 10 m, nhỉnh hơn tàu không gian X-37B của Không quân Mỹ.
Trong phạm vi sứ mệnh hiện tại, Thần Long hồi tháng 6 bị phát hiện thả ra một vật thể, di chuyển ra xa cách vật thể đó vài km, trước khi quay lại và cách vài trăm mét.
Thần Long đã điều chỉnh độ cao từ quỹ đạo bình thường khoảng 350 km lên 600 km và quay lại, cho thấy phạm vi hoạt động linh hoạt của nó.
Phi thuyền bí ẩn của Trung Quốc lại phóng vật thể lạ trên quỹ đạo
Thần Long, tàu không gian không người lái và tái sử dụng, được phóng lên quỹ đạo nhờ vào tên lửa đẩy và đáp xuống sân bay quân sự bí mật. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang sử dụng phi thuyền này để thử nghiệm nhiều công nghệ khác nhau, chẳng hạn như thao túng hoặc thâu tóm vệ tinh.
Dữ liệu theo dõi cho thấy phi thuyền Trung Quốc được phóng từ bãi phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc và đáp xuống một sân bay bí ẩn của quân đội ở Lop Nur (Tân Cương). Đây là địa điểm có liên quan đến sự kiện thử nghiệm hạt nhân trong quá khứ và hiện được quân đội Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ.
Đây là sứ mệnh thứ ba của tàu không gian Thần Long, theo sau sứ mệnh trước đó vào tháng 8.2022 và kéo dài 276 ngày. Còn chuyến bay đầu tiên vào tháng 9.2020 chỉ vỏn vẹn 2 ngày.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tau-khong-gian-bi-an-cua-trung-quoc-lan-dau-bi-ghi-hinh-185240806154821742.htm