Vừa qua, Trung Quốc phóng thành công phi thuyền tái sử dụng thử nghiệm lên quỹ đạo từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc nước này, theo Tân Hoa xã. Phi thuyền được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F và sẽ hoạt động trên quỹ đạo trong một thời gian trước khi quay về trái đất.
Đây là sứ mệnh thứ ba của phi thuyền mang tên Thần Long, với hai lần trước đó là vào tháng 9.2020 và tháng 8.2022. Chỉ 4 ngày sau khi được phóng, các nhà quan sát phi thuyền và vệ tinh nghiệp dư trên thế giới đã phát hiện phi thuyền Trung Quốc thả 6 vật thể bí ẩn ra ngoài không gian. Sau nhiều ngày theo dõi, họ ghi nhận các vật thể này phát ra tín hiệu, theo trang Space.com thông tin gần đây.
Sáu vật thể bí ẩn đã được đặt tên lần lượt theo các chữ cái A, B, C, D, E và F. Theo nhà theo dõi vệ tinh và thiên văn nghiệp dư Scott Tilley, vật thể A dường như đang phát ra những tín hiệu gợi nhớ đến tín hiệu tương tự từ các vật thể mà phi thuyền của Trung Quốc đã thả trong hai nhiệm vụ trước đó.
Ông Tilley cho biết tín hiệu được phát ra với “một lượng dữ liệu hạn chế”. “Có suy đoán rằng tín hiệu phát ra từ vật thể A có thể đến từ một vật thể ở gần nó, nhưng đây là suy đoán không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào mà tôi biết”, ông Tilley nói thêm.
Trong khi đó, vật thể D và E dường như đang phát ra tín hiệu không có dữ liệu đi kèm. Ông Tilley lưu ý rằng không giống như trong các sứ mệnh 1 và 2, đợt phát tín hiệu lần này diễn ra “rất không liên tục và không tồn tại lâu”. “Phải mất nhiều ngày quan sát theo dõi hết lần này đến lần khác bằng ăng ten đĩa để đưa ra dữ liệu này”, nhà quan sát cho hay.
Ông Tilley và những người theo dõi vệ tinh khác đã phân tích các tín hiệu và tin rằng tín hiệu phát đi từ các vật thể hoặc từ nguồn ở khoảng cách gần với chúng.
Kết luận này dựa trên việc quan sát các vật thể dọc theo đường đi dự kiến của chúng trên bầu trời, dựa trên thực tế là không có vật thể nào khác được biết đến nằm trong tầm theo dõi của các nhà quan sát khi dữ liệu được thu thập, và những tín hiệu này mang đặc điểm riêng biệt, chỉ được nhìn thấy từ các sứ mệnh trước đây của Trung Quốc sử dụng tần số 2.280 MHz.
Ông Tilley tóm tắt rằng phi thuyền Trung Quốc đang hoạt động với hành vi vô tuyến khác so với hai lần trước. Theo ông, những quan sát về tín hiệu phát đi từ vật thể D và E là mới nhưng cũng có thể đã bị bỏ sót trong các nhiệm vụ trước đó do nó được phát một cách ngắt quãng.
Phi thuyền của Trung Quốc từng có hành vi tương tự trong quá khứ. Trong hai sứ mệnh trước đó, Thần Long cũng được phát hiện thả một vật thể nhỏ chưa xác định vào quỹ đạo. Đã có những suy đoán rằng các vật thể này có thể là mô đun dịch vụ, thiết bị thử nghiệm vận chuyển hàng vào quỹ đạ,o hoặc thậm chí có thể là các vệ tinh nhỏ dùng để giám sát phi thuyền, theo SpaceNews.
Trung Quốc không nói rõ nhiệm vụ của phi thuyền. Bản tin của Tân Hoa xã nêu rằng trong nhiệm vụ trên quỹ đạo, phi thuyền sẽ thực hiện việc xác minh các công nghệ tái sử dụng và những thử nghiệm khoa học trong không gian, nhằm cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cho việc sử dụng không gian một cách hòa bình.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phi thuyền Thần Long sẽ quay về và hạ cánh như máy bay. Mỹ cũng vận hành phi thuyền có thể tái sử dụng tương tự có tên là X-37B do hãng Boeing chế tạo. Thông tin về hoạt động hoặc năng lực chính xác của X-37B không được tiết lộ nhiều. Con tàu đáng ra được phóng vào hôm 17.12 nhưng bị hoãn lại do thời tiết xấu. Lực lượng Không gian Mỹ đã dời lịch phóng lại vào ngày 28.12.
Thời điểm phóng phi thuyền của hai nước được cho không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tại một hội nghị trong tháng này, tướng Chance Saltzman, Tham mưu trưởng của Lực lượng Không gian Mỹ, cho biết: “Đây là hai trong số những vật thể được theo dõi nhiều nhất khi chúng đang ở trên quỹ đạo. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà họ (Trung Quốc) đang cố gắng cạnh tranh với chúng tôi về thời gian và trình tự của việc này”.